“HIỂU ĐÚNG, NHẬN THỨC ĐÚNG, HÀNH ĐỘNG ĐÚNG”TRONG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

06/10/2023 | 23:58 GMT+7

Bài 4: “NHÂN CÁI ĐẸP, DẸP CÁI XẤU”, ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG “XÂY” VÀ “CHỐNG” VỀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

Bám sát cơ sở lý luận và thực tiễn, kết hợp giữa “Xây” và “Chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền Biển, Đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc Trung Quốc luôn cho rằng, nhiều nước và dư luận trên thế giới đều công nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc (?!) Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được cộng đồng quốc tế công nhận… Các nguồn tư liệu và tất cả bản đồ ở Việt Nam cho thấy, chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định và ghi nhận tại các hội nghị quốc tế. Các văn kiện pháp lý quốc tế từ Tuyên bố Cai-rô ngày 27 - 11 - 1943 và Tuyên ngôn Hội nghị Postdam ngày 26 - 7 - 1945 khẳng định lại nội dung Tuyên bố Cai-rô cho đến Hòa ước San Francisco ký ngày 8 - 9 - 1951 đã không xác nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) từ ngày 04 đến 08 - 9 - 1951 với sự tham dự của 51 quốc gia là hội nghị quốc tế lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh ở châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Nhà nước Việt Nam quản lý hòa bình và hữu hiệu hai quần đảo còn được cộng đồng quốc tế công nhận qua sự kiện năm 1949 Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng của Việt Nam do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới. Theo đó, trạm Phú Lâm mang số hiệu 48859; trạm Hoàng Sa mang số hiệu 48860; trạm Ba Bình mang số hiệu 48919. Điều này cho thấy, chẳng những chủ quyền của Việt Nam được xác định mà tên Hoàng Sa cũng được ghi nhận trong tài liệu chính thức của các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Giáo sư Monique Chemillier - Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội luật gia châu Âu đã có kết luậnquan trọng: “Tôi đã chỉ ra trong suốt công trình này là các quyền của Việt Nam, nhất là trên quần đảo Hoàng Sa được đảm bảo tốt hơn bởi vì chúng được xác lập một cách rõ ràng hơn qua các tài liệu có được”. Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục số VII của UNCLOS công bố phán quyết cuối cùng ngày 12 - 7 - 2016: không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”. Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Cho đến nay, 9 nước đã cho lưu hành 14 công hàm, công thư tại Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông.

Như vậy, có thể thấy rõ, những luận điểm về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là hoàn toàn sai trái, phiến diện, ngụy biện, áp đặt, không cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý. Các bằng chứng mà học giả Trung Quốc đưa ra để cố chứng minh cái gọi là “chủ quyền Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” hoặc là không rõ ràng, không thuyết phục, hoặc đưa ra nhưng đã bị bác bỏ.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt hiện nay. Trách nhiệm thiêng liêng này thuộc về mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển bền vững hiện nay và trong tương lai. Để làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Kịp thời nắm bắt, xử lý và định hướng thông tin, phát hiện và ngăn chặn những thông tin xấu của các thế lực thù địch chống phá ta.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo.

Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc phát huy các tổ chức, đoàn thể, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền và gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, các bài học kinh nghiệm và gương các anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thông qua các cuộc vận động và chương trình hành động với cách làm  mới, thiết thực, như: "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, "Tuổi trẻ giữ nước”, “Xây dựng các cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa”, "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp”, "Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, "Vì Trường Sa thân yêu”, "Góp đá xây Trường Sa”, "Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, "Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”, "Khi Tổ quốc cần",… Phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, các phương tiện thông tin đại chúng tạo sức mạnh tổng hợp, chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cần chú trọng tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, tọa đàm về chủ quyền biển, đảo bảo đảm thiết thực, chất lượng tốt; tăng cường tổ chức các hoạt động thăm hỏi và tiến hành các hoạt động nghiên cứu thực tế trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, cần tổ chức các mô hình mới, như tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu và nắm rõ hơn các vùng, khu vực thuộc chủ quyền có lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế nói chung cũng như đối với thanh niên về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ ba, cần có sự quan tâm và chính sách đãi ngộ cụ thể đối với lực lượng khi tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với các huyện đảo xa bờ và các địa bàn trọng điểm, chiến lược; coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ và sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở mỗi huyện đảo và giữa các huyện đảo với nhau, tạo ra thế trận liên hoàn trên biển để có thể nhanh chóng tập hợp và sử dụng hiệu quả sức mạnh của các lực lượng tại chỗ phục vụ cho quốc phòng - an ninh trên biển, qua đó, củng cố thêm niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí vững vàng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc một cách bền vững.

Một trong những nền tảng quan trọng trong việc củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với vận mệnh của đất nước, đó là cần nắm vững tư tưởng, phương châm chỉ đạo giải quyết các vấn đề về biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta, để thanh niên thực sự là một lực lượng to lớn và vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế các vùng đảo, quần đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của biển đảo Việt Nam.

Thứ tư, chú trọng xây dựng quyết tâm cao, định hướng hành động thiết thực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để xây dựng quyết tâm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cần làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thấy được sự khó khăn, gian khổ đối mặt với nguy hiểm, sự phức tạp của các hoạt động trên biển, đảo (đặc biệt là ở một số đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh như: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…), đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là lực lượng kiểm ngư; hay thanh niên ở các địa phương ven biển, huyện đảo tích cực tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển.

Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, chúng ta cần phải tiếp tục gìn giữ và phát triển những tiềm năng của biển đảo Việt Nam, để Việt Nam có thể làm giàu từ biển, mạnh về biển, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên thế giới để sớm đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các nguồn tư liệu, bản đồ Việt Nam và bản đồ quốc tế cho thấy một sự thật khách quan, hiển nhiên: Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Đây là sức mạnh tổng hợp của đất nước, trong đó có sức mạnh của luật pháp quốc tế, sức mạnh của sự thật lịch sử, của chính nghĩa và lẽ phải dựa trên các nguồn tư liệu, bản đồ. Là thành viên của Liên Hợp Quốc, thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn coi trọng và đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng, khác biệt trên Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thanh Phới, Lan Anh, Hữu Lợi,

Văn Cần, Văn Ngoan

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ II-năm 2023. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>