Bác Hồ nói về “bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ” của cán bộ

16/05/2018 | 07:48 GMT+7

Cả đời lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ rất quan tâm xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức và tài, hết lòng phục vụ Tổ quốc, Nhân dân. Người đề ra tiêu chuẩn, động viên, phát huy các mặt tốt, tích cực của cán bộ; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, chỉ ra các nhược điểm, tật bệnh mà cán bộ phải phòng ngừa, sửa chữa. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, ta có thể thống kê trên 30 bệnh của cán bộ được Bác đề cập đến. Thời gian qua, ta nói nhiều về các bệnh: quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, nể nang, xu nịnh... Ở đây, hãy tìm hiểu xem Bác Hồ nói về “bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ” của cán bộ như thế nào.

Tháng 10-1947, đang ở chiến khu Việt Bắc lãnh đạo toàn dân chống Pháp xâm lược, Bác Hồ viết cuốn Sửa đổi lối làm việc. Tác giả đánh giá tình hình rất xác thực, cụ thể và đề ra yêu cầu, phương thức đúng đắn, cần thiết để xây dựng Đảng, cán bộ nhằm bảo đảm kháng chiến mau thắng lợi. Ngày nay, dù đã trải qua 70 năm, những nội dung cốt lõi của tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự cấp thiết.

Chính trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác nêu lên khá đầy đủ các “bệnh” thường gặp của cán bộ cùng “triệu chứng” và “phương thuốc” phòng trị. Bác chỉ rõ bệnh kiêu ngạo của người cán bộ, đảng viên thể hiện ở chỗ: “Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác” (1). Tháng 11-1948, Bác viết hẳn một bài báo tựa đề Bệnh tự ái, tự kiêu đăng trên báo Sự thật số 102, chỉ rõ: “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai” (2).

Theo Bác, người kiêu ngạo, tự cao tự đại sẽ dẫn đến hệ quả xấu khác: lên mặt công thần, lười biếng học tập, mù quáng, ưa những kẻ nịnh hót, ghét những người tài đức và ăn ngay nói thẳng, xem thường Nhân dân, bất tuân tổ chức kỷ luật, không muốn ai phê bình mình, ngày càng thoái bộ, cuối cùng “nhất định sẽ đi đến thất bại”. Bác viết: “Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường Nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình” (3).

Bác Hồ thường dùng thuật ngữ “bệnh hiếu danh” hoặc “bệnh ham danh vị” để chỉ những người ham địa vị, chức vụ, quyền hành; ngày nay, trong một số văn kiện của Đảng thường gọi là “tham vọng quyền lực”. Theo Bác, những người hiếu danh thường “tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại”, “chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”, “chỉ biết lên mà không biết xuống”, “chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ”; tất cả đều do “kém tính Đảng” mà ra.

Đối với bệnh óc lãnh tụ, Bác viết: “Óc lãnh tụ - Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi/ Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu! Mà so với những sự nghiệp to tát trong thế giới, càng không thấm vào đâu” (4). Người còn nói rõ rằng Đảng ta mong có nhiều anh hùng, nhiều lãnh tụ; nhưng những người này phải được đào luyện từ thực tiễn đấu tranh, do Nhân dân tin cậy cử ra, chứ không phải tự mình muốn, tự mình phong là được.

Trên thực tế, các bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ thường cùng xuất hiện, có liên quan với nhau. Cao ngạo, tự cho mình là tài giỏi nhất thiên hạ nên đòi phải làm chức này, chức nọ, làm lãnh đạo, lãnh tụ mới xứng đáng. Khi đã làm lãnh đạo, có chức, có quyền rồi thì càng lên mặt ta đây, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng tư. Chính cái “vòng lẩn quẩn” đó làm tha hóa, hư hỏng cán bộ, nguy hại đến sự nghiệp chung. Dân ta thường nói “thùng rỗng kêu to” nhằm chê trách những người kiêu ngạo, khoe khoang mà không thực học, thực tài. Bác khẳng định: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ” (4).

Để phòng trị bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ, Bác Hồ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải: rèn luyện đức khiêm tốn; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ; giữ gìn đoàn kết; dựa vào quần chúng, chịu sự kiểm tra của quần chúng; hoàn thành nhiệm vụ của mình; thường xuyên học tập để tiến bộ về mọi mặt.

Tinh hoa văn hóa nhân loại chỉ ra lợi thế của chữ “khiêm”. Kinh Dịch, quẻ Khiêm, lời Thoán có câu: “Khiêm hanh… Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm. Địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm… Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm” (Khiêm thì hanh thông… Đạo trời làm vơi chỗ đầy mà thêm chỗ khiêm. Đạo đất biến đổi chỗ đầy mà chuyển vào chỗ khiêm… Đạo người ghét chỗ đầy mà yêu chỗ khiêm). Lão Tử viết: “Bất tự hiện cố minh, bất tự thị cố chương, bất tự phạt cố hữu công, bất tự căng cố trường” (Không tự biểu hiện nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới có công, không tự kiêu nên mới trường cửu) (Đạo Đức Kinh, chương 22). Đức khiêm tốn của Hồ Chí Minh kết tinh từ chữ “khiêm” của văn hóa nhân loại, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với lý tưởng, phẩm chất và ý chí của người lãnh đạo cách mạng.   

Lịch sử nước ta có biết bao bậc hiền tài mà khiêm tốn hết mực. Vua Lê Thánh Tông - một bậc minh quân - từng có nhiều chỉ dụ trong đó có ý “tự khiển trách” mình do cai trị không tốt nên người dân nhiều vùng phải khổ sở vì thiên tai và nhiều người phạm tội; từ đó, có chủ trương miễn giảm thuế cho người nghèo và giảm án, tha tội cho những tội phạm. Cụ Phan Thanh Giản trước khi chết đề nghị con cháu ghi trên mộ mình câu: “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu” (Quan tài của lão thư sinh già họ Phan ở góc biển nước Đại Nam). Có người trong thân tộc hỏi cụ đại ý không ghi chức tước, học vị gì sao, cụ trả lời: “Những hạng thường nhơn hay cầu chức khoe danh. Ta xem sự ấy là một việc hổ thẹn” (5). Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp nhận bị kỷ luật (năm 1949) khi kiên quyết không chịu nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá vì cho rằng mình không bằng người đương nhiệm Nguyễn Thành Nhơn đã thể hiện rõ đức khiêm tốn, trung thực, không tham chức của người cộng sản chân chính theo lời dạy của Bác Hồ.

Từ năm 1947, tức chỉ hai năm sau khi Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã phát hiện nhiều “tật bệnh” chứng tỏ Người có dự cảm sâu sắc về nguy cơ tha hóa của cán bộ, đảng viên trong bối cảnh Đảng cầm quyền. Hiện nay, thực hiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, quyền chức và tiền tài tác động dữ dội vào cán bộ, làm xuất hiện nhiều bệnh mới: bệnh lợi ích nhóm, bệnh chạy chức, chạy quyền, bệnh sính học hàm học vị, bệnh bằng thật học giả, bệnh nói nhiều làm ít, bệnh xem thường công luận… Thật ra, các bệnh này không phải “mới” hẳn mà chỉ là triệu chứng, biến chứng trầm trọng hơn của những bệnh mà Bác Hồ đã cảnh báo từ 70 năm trước. Tất cả các loại bệnh lúc nào cũng có liên quan nhau, thường thì bệnh này là triệu chứng, biến chứng của bệnh kia.

Theo Bác, các thứ bệnh nói trên đều do một thứ “vi trùng độc” sinh ra đó là chủ nghĩa cá nhân. Người viết: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của Nhân dân/ Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (6).

Vì thế, muốn phòng trị tận gốc các thứ bệnh nói trên - trong đó có bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, óc lãnh tụ - thì phải thực hiện đúng lời Bác dạy: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù trong mỗi con người, nó lúc nào cũng gào thét “tôi là tất cả, tôi tài giỏi nhất thiên hạ”, tàn hại nhân cách, phẩm hạnh con người. Nếu ta tự thắng được chủ nghĩa cá nhân, luôn thể hiện đức khiêm tốn, vị tha nhiều hơn vị kỷ, có cuộc sống hài hòa “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, thì chiến thắng này thật tuyệt vời!

TRẦN THƯ TRUNG

            ----------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 295.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Sdd, tr. 631.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Sdd, tr. 507.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Sdd, tr. 296.

(5) Phan Thị Minh Lễ - Chương Thâu: Thơ văn Phan Thanh Giản, Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 888.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 292.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>