Tiềm năng điện mặt trời kết hợp nông nghiệp ở Hậu Giang

20/12/2020 | 14:42 GMT+7

Với lợi thế về số giờ nắng cũng như năng lượng bức xạ mặt trời, Hậu Giang được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng phát triển các điện mặt trời (ĐMT) áp mái cũng như ĐMT kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao.

Công nhân Điện lực Châu Thành A kiểm tra và đấu nối hòa lưới hệ thống ĐMT mái nhà của khách hàng.

Con số thống kê cho thấy, năng lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình tại Hậu Giang đạt 4,3-4,9kWh/m2/ngày, với số giờ nắng từ 2.200-2.500 giờ/năm. Trong những năm gần đây, ĐMT áp mái dần trở thành xu thế được nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất ở Hậu Giang lựa chọn. Đây cũng là xu hướng phát triển năng lượng bền vững đã được Chính phủ khuyến khích nhằm tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ môi trường và giảm quá tải điện năng…

Hậu Giang còn xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo xu hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao hướng mạnh vào các sản phẩm chủ lực gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỉnh đã có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch hơn 1.000ha khu, cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy hơn 60%. Trong đó, năng lượng tái tạo cũng là một ngành có tên trong danh mục ngành nghề thu hút đầu tư vào một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc kết hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ĐMT trên các mái nhà còn bỏ không và mái nhà xưởng góp phần tối đa hóa lợi nhuận cũng như đa dạng nguồn năng lượng, đảm bảo khả năng cung ứng điện bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Ngụy Thụy Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh, đánh giá Hậu Giang là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có tiềm năng bức xạ mặt trời. Ngoài dự án điện theo mô hình cánh đồng quy mô lớn, Hậu Giang còn có thể nghiên cứu phát triển ĐMT trên mái nhà còn nhàn rỗi và khu vực tỉnh có quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Điều này vừa tạo ra nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại chỗ, vừa tăng thêm nguồn thu và góp phần chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều cần làm hiện nay là xây dựng những mô hình minh chứng đúng nghĩa, trong đó chú trọng lựa chọn các loại cây trồng hay vật nuôi phù hợp với mô hình này để sản xuất nông nghiệp phía dưới các tấm pin mang lại hiệu quả cao.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang ông Nguyễn Quốc Toàn cho rằng: Mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và ĐMT phù hợp với tỉnh và sẽ tạo ra lợi ích kép. Ngành công thương đã phối hợp với các sở, ngành, Công ty Điện lực Hậu Giang (PCHG) xây dựng bản đồ vị trí kêu gọi và thu hút đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, thu hút được 9 dự án ĐMT lớn. Riêng ĐMT áp mái trên các trang trại nông nghiệp có 96 nhà đầu tư đến tìm hiểu, tổng công suất đăng ký 212MWp. ĐMT mái nhà hộ gia đình, nhà xưởng có 563 khách hàng lắp đặt với tổng công suất 13.599kWp.

Đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang (PCHG) đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới 22kV với tổng công suất 45MW. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, hộ gia đình, cơ sở sản xuất tìm hiểu và có nhu cầu lắp đặt ĐMT, PCHG xây dựng và cập nhật danh sách các trạm biến áp, đường dây còn khả năng đấu nối ĐMT mái nhà trên địa bàn tỉnh. Kịp thời cập nhật các văn bản hướng dẫn việc thực hiện phát triển ĐMT cũng như trình tự, thủ tục đấu nối, mua bán điện. Bên cạnh đó, PCHG tăng cường phối hợp với Sở Công thương trong việc triển khai thông tin, truyền thông về các chính sách phát triển ĐMT trên mái nhà với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả để khách hàng, doanh nghiệp tiếp cận nắm rõ. Mục tiêu đến năm 2025, hệ thống ĐMT áp mái hộ gia đình tại Hậu Giang đạt 15MW, ĐMT trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp đạt 35MW và mái các trang trại nông nghiệp đạt 70MW.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>