Vận hội mới trong thu hút đầu tư

12/02/2024 | 14:16 GMT+7

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, nơi được xem có nhiều thời cơ thu hút đầu tư trong và ngoài nước, Hậu Giang đang có sự chuẩn bị nhanh và kỹ lưỡng, sẵn sàng đáp ứng các điều kiện để nhà đầu tư rót vốn.

Sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư

Trong khuôn khổ hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra vào tháng 12-2023, đã có 12 dự án được trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trị giá 19.000 tỉ đồng; Ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỉ đồng và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác. Hậu Giang đã và đang nỗ lực biến các biên bản ghi nhớ đầu tư, hợp tác thành các sản phẩm cụ thể, có thể cân đong, đo đếm được mang đến hạnh phúc ấm no cho người dân như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt niềm tin và kỳ vọng.

Ông Trương Hùng Biên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Tín, đơn vị vừa nhận biên bản ghi nhớ đầu tư tại tỉnh cho hay, UBND tỉnh Hậu Giang cùng Công ty TNHH Hải Tín thống nhất thỏa thuận thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp quy mô 10ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỉ đồng trong Khu công nghiệp Sông Hậu 2.

Cảng của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC), ở Khu công nghiệp Sông Hậu.

“Tôi rất hài lòng với phương châm của tỉnh là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Tôi đã làm việc ở nhiều tỉnh, so với các tỉnh khác, ở Hậu Giang, về phía chính quyền đặc biệt là Ban quản lý các Khu công nghiệp làm việc rất tốt. Khi quyết định đầu tư, chúng tôi ưu tiên về con người. Chính sách thì chung của cả nước, còn chính quyền và con người tại địa phương đó áp dụng chính sách linh động, linh hoạt thì nhà đầu tư sẽ rất thuận lợi”, ông Trương Hùng Biên cho biết.

Chính quyền năng động, cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp cũng là nhận xét của đại diện Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang. Tháng 7-2022, Nhà máy do Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang làm chủ đầu tư nhà tiêu chuẩn JAPAN/EU-GMP chính thức khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Nhà máy được xây dựng với diện tích khoảng 6ha gồm các dây chuyền sản xuất như: Dây chuyền viên nén không bao phim; dây chuyền viên nén bao phim; dây chuyền viên nang cứng; dây chuyền thuốc bột pha hỗn dịch uống; dây chuyền thuốc cốm pha hỗn dịch uống. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2024, với mục tiêu nhà máy sẽ đạt tiêu chuẩn JAPAN/EU-GMP, tối ưu hóa công suất lên gấp đôi so với nhà máy cũ, công suất thiết kế hơn 1 tỉ đơn vị sản phẩm mỗi năm.

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, chia sẻ: Khi đầu tư tại tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Dược Hậu Giang thực hiện và mở rộng dự án “Đầu tư mở rộng dự án Nhà máy Dược phẩm và Nhà máy In bao bì DHG”. Sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương đã giúp công ty thực hiện dự án một cách hiệu quả và đây là dự án đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, mang lại cho người tiêu dùng nhiều dòng sản phẩm đủ tiêu chuẩn thay thế thuốc ngoại; đồng thời, giúp củng cố năng lực phát triển lâu dài, tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua việc tuyển dụng, duy trì ổn định nhân viên có năng lực tại tỉnh Hậu Giang.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của tỉnh nhà trong thời gian qua như: Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực du lịch… xây dựng một hệ thống chính trị thực sự là đối tác, bạn đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp thông qua Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân, tổ chức các cuộc họp chuyên đề,… nhằm mục tiêu và khát vọng làm giàu cho quê hương Hậu Giang.

Tận dụng thời cơ, nắm bắt lợi thế

Việc ĐBSCL được đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là bước đột phá mới cho toàn vùng nói chung và Hậu Giang nói riêng. Nắm bắt được lợi thế đó, với những nỗ lực của mình, vùng đất bên dòng Xà No ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và Công ty TNHH MTV Thuốc thú y và Chế phẩm sinh học Vemedim là một trong số đó.

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A.

Ông Lưu Phước Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuốc thú y và Chế phẩm sinh học Vemedim, cho hay: Trong suốt quá trình đầu tư, bắt đầu từ nhận đất đến xây dựng rồi đi vào hoạt động thì doanh nghiệp rất hài lòng. Công ty được sự hỗ trợ, giúp đỡ sát sao của UBND tỉnh, đặc biệt là Ban quản lý các Khu công nghiệp từ những dự án xây dựng rồi vấn đề liên quan môi trường. Nhờ đó, suốt mười mấy năm nay, đơn vị đã hoạt động rất ổn định và đóng góp một phần nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, lợi thế về chính sách thu hút đầu tư, vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu dồi dào và xa hơn là sự hình thành của các tuyến cao tốc đã thu hút Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên logistics chọn và gắn bó với Hậu Giang nhiều năm qua. Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên logistics, cho biết: “Chúng tôi đầu tư vào nông nghiệp và luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để nông nghiệp tỉnh nhà, nông nghiệp ĐBSCL và của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Khi trung tâm chiếu xạ của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ là cú hích, đòn bẩy mang tính chiến lược để phát triển những hàng thủy sản, hàng nông sản. Chính quyền địa phương hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp chúng tôi phát triển, thủ tục giấy tờ cực kỳ nhanh”.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện hàng loạt dự án cao tốc, các tuyến đường kết nối liên tỉnh qua địa bàn Hậu Giang sẽ là động lực lớn giúp tỉnh thu hút đầu tư mạnh mẽ. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh ĐBSCL (VCCI Cần Thơ) cho biết, dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp có quy mô lớn thì trong giai đoạn hiện nay, ĐBSCL là vùng đất nhận được sự quan tâm và có sức hấp dẫn đối với giới đầu tư, kể cả trong nước và quốc tế. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều nhắm đến ĐBSCL là lựa chọn số 1 tại Việt Nam.

Để đáp ứng cho các doanh nghiệp lớn, Hậu Giang đã phát huy tối đa thế mạnh, đặc biệt là về hạ tầng tiêu chuẩn. Đối với nhóm ngành chế biến, chế tạo, cũng tính đến những khu công nghiệp đặc thù, đạt tiêu chuẩn, thuận lợi về hạ tầng, môi trường, xử lý chất thải để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lớn.

Đến nay, toàn tỉnh có 326 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 186.028,3 tỉ đồng. Trong đó có 261 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 36.836,9 tỉ đồng và 62 dự án trong khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 148.905,5 tỉ đồng, 3 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn 289,9 tỉ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 25 dự án, với tổng số vốn đăng ký 631.041.298 USD. 

 

NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>