Những tấm lòng thơm thảo

15/03/2021 | 07:55 GMT+7

Dẫu mỗi người có cách làm khác nhau, nhưng ai nấy đều có chung mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Dù ít hay nhiều, dù việc nặng hay nhẹ, cộng đồng đều trân trọng những tấm lòng của họ...

Bà Thành (thứ 2 từ trái qua) cùng với mọi người chuẩn bị nấu cơm cho các bệnh nhân ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Nhiều năm nay, bà Lý Kim Thành cùng các thành viên của Tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cứ luân phiên nhau nấu cháo, nước sôi hàng ngày để cung cấp cho các bệnh nhân ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Tổ có 17 thành viên, chia thành 3 tổ nhỏ, cứ luân phiên nấu xoay vòng.

Theo bà Thành, mỗi sáng mọi người hay nấu cháo lá dứa, cháo trắng, rồi trộn củ cải, dưa muối để các bệnh nhân ăn kèm. Để những phần cháo kịp đến với các bệnh nhân vào mỗi buổi sáng thì khoảng 3 giờ sáng các cô, chú phụ trách nấu cháo ngày hôm ấy đã phải thổi lửa nhóm bếp. Dù phải dậy từ lúc khuya, nhưng khi giúp các bệnh nhân no lòng thì ai nấy cũng vui, thấy việc mình làm thêm ý nghĩa. Đến 5 giờ khi cháo đã chính nhừ, mọi người liền chở vào trung tâm, để cấp phát cho các bệnh nhân. Cứ thế, dẫu nắng, dẫu mưa, mùa hè oi bức, hay những tháng gió bấc thì mọi người vẫn đều đặn với công việc này. Bà Thành gắn bó với các bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh từ khi trung tâm còn ở thành phố Ngã Bảy, đến khi dời về huyện Vị Thủy bà vẫn tiếp tục công việc. “Làm được chuyện gì giúp đỡ mọi người tôi thấy vui lắm, nhất là những bệnh nhân tâm thần, bởi họ chịu biết bao thiệt thòi. Nhìn bệnh nhân ăn cháo vui vẻ, công sức chúng tôi bỏ ra thật xứng đáng”, bà Thành vui vẻ cho biết.

Tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí này được dựng lên khoảng nửa năm nay từ việc vận động của ông Trần Văn Út, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, với sự tham gia của 17 thành viên. Những cô, chú tham gia tổ từ 50 tuổi trở lên. Dẫu mỗi người mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai nấy đều có chung tấm lòng mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.

Ngoài nấu cháo, nước sôi hàng ngày, vào ngày rằm và 30 âm lịch hàng tháng, các cô chú lại nấu cơm để tặng cho các bệnh nhân đáng thương này. Để có được những phần cơm, suất cháo ấy, ngoài sự ủng hộ của các mạnh thường quân, mọi người còn chủ động đóng góp và ra công góp sức để bữa cơm cho bệnh nhân thêm phần tươm tất. Dẫu biết rằng đâu phải ai cũng dư dả, thậm chí còn phải nặng gánh mưu sinh, nhưng vì việc nghĩa ai cũng sẵn lòng ủng hộ... Theo ông Trần Văn Út, Phó ban điều hành Tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí, gia đình có một người không may mắc bệnh tâm thần đã khổ và rất vất vả, thế mà Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng tận 230 bệnh nhân, vất vả biết dường nào. Dẫu biết rằng các bệnh nhân ở trung tâm có chế độ hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm chăm sóc tận tình của các cán bộ, nhân viên nhưng với tấm lòng thiện nguyện các thành viên của tổ mong muốn mang đến những bữa ăn nghĩa tình để góp thêm chút công sức, tấm lòng để các bệnh nhân thêm ấm lòng, sớm lành bệnh, trở về với cuộc sống đời thường. “Có những thành viên trong tổ khi nhìn thấy bệnh nhân không kiềm được xúc động, bởi họ là những hoàn cảnh đặc biệt, có người bệnh vài tháng, có người vài năm, nhưng cũng có người trên chục năm, thậm chí có những người đã rất lâu không được người thân đến thăm. Vì thế, khi làm được việc gì đó giúp đỡ các bệnh nhân ai nấy đều sẵn lòng”, ông Út chia sẻ.

Cũng với quan niệm “cho đi là còn mãi”, những năm qua, chị Huỳnh Thị Diễm, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tích cực với các hoạt động nhân đạo từ thiện. Năm 2020 vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, dẫu cuộc sống chưa phải khá giả, nhưng với lòng nhân ái, sự sẻ chia giúp đỡ giữa người với người chị đã xuất tiền túi để mua vải, mướn người may khẩu trang để tặng cho bà con. Rồi khi Trung tâm Công tác xã hội tỉnh dời về huyện chị cũng đăng ký tặng bánh mì, sữa cho bệnh nhân hàng tháng. Đâu chỉ có bấy nhiêu, khi lộ nông thôn hư hỏng chị cũng góp công, góp của để giặm vá, sửa chữa... “Tôi làm có nhiêu đâu, chủ yếu kết nối những tấm lòng với hoàn cảnh khó khăn. Với tôi mang niềm vui cho người khác cũng như đem lại niềm vui cho bản thân”, chị Diễm bộc bạch.

Cuộc đời này rất cần những tấm lòng thơm thảo như ông Út, bà Thành, chị Diễm để tình người thêm lan tỏa và khẳng định giá trị vĩnh hằng những tấm lòng thiện nguyện…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>