“Tam nông” - Dấu ấn một chặng đường phát triển

16/05/2023 | 19:07 GMT+7

Cùng với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, Hậu Giang đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, đề án trọng tâm gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp; nhờ vậy, lĩnh vực “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) của tỉnh đã và đang tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật sau gần 20 năm thành lập tỉnh. Qua đây, không chỉ góp phần cùng với vùng ĐBSCL và cả nước trong việc nâng cao giá trị nông sản và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn xây dựng được những vùng quê đáng sống.

Trước biến đổi khí hậu, nông dân Hậu Giang đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thuận thiên.

Bài 1: Đột phá trong canh tác nông nghiệp

Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia trước biến đổi khí hậu, những năm qua, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương và người dân tại vùng ĐBSCL đã có những hướng đi mới mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhất là việc tận dụng những điều kiện đất đai và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Trong đó, năng lực sản xuất toàn vùng đang chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng các loại trái cây của cả nước; đóng góp đến 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước; nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu tầm thế giới. Để có được kết quả ấn tượng trên thì toàn vùng đã trải qua một chặng đường thay đổi mạnh mẽ.   

Cuộc cách mạng về giống, kỹ thuật và mô hình sản xuất

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng trong gần 20 năm qua là việc nông dân thay đổi tư duy mạnh mẽ về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu. Điển hình trên cây lúa, nông dân ĐBSCL không ngừng thay đổi từ giống lúa năng suất thấp (chỉ đạt 2-3 tấn/ha) sang các giống lúa cao sản chất lượng cao (đạt 6-8 tấn/ha). Nhờ vậy, tỷ lệ giống lúa thơm và lúa có phẩm chất gạo cao trong sản xuất ở ĐBSCL đã tăng từ 14,2% (năm 2015) lên khoảng 80% vào thời điểm hiện tại, còn lại khoảng 10-11% là nếp và 10% là lúa cao sản và các giống lúa khác phục vụ cho chế biến.

Ông Cao Văn Thanh, ở xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, người trồng lúa như tôi phải thường xuyên thay đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao chất lượng hạt gạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc chuyển từ giống lúa có phẩm chất gạo thấp sang lúa thơm và lúa có phẩm chất gạo cao đã giúp nông dân bán lúa được dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, với việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận thì dịch hại trên cây lúa ít nên kéo chi phí đầu tư giảm và tăng nguồn lợi nhuận”.

Riêng địa bàn Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh sử dụng giống lúa thơm (ST, Jasmine 85, Đài thơm 8) chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu gieo trồng; giống lúa chủ lực xuất khẩu như OM 5451, RVT, OM 6976, OM 18, OM 4900,… chiếm từ 50-60%; còn lại là giống có chất lượng trung bình như IR 50404. Năng suất lúa bình quân của tỉnh trong gần 10 năm qua tăng từ 5,8 tấn/ha (năm 2014) lên 6,67 tấn/ha (năm 2022) và hiện tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh đạt gần 190.000 ha/năm.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho hay: Nhờ nông dân dịch chuyển cơ cấu giống lúa nên nhìn chung hơn 20 năm qua (từ 2000-2022), năng suất lúa bình quân toàn vùng ĐBSCL tăng thêm hơn 1,7 tấn/ha, làm tăng thêm hơn 7 triệu tấn lúa, chiếm gần 70% tổng sản lượng lúa tăng thêm của cả nước. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, ĐBSCL đã chọn tạo được giống lúa ST, nhất là giống ST 25 được vinh danh là ngon nhất thế giới vào năm 2019; qua đây tạo cơ sở cho thúc đẩy mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và gia tăng sản xuất cũng như xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh việc thay đổi giống lúa thì nông dân vùng ĐBSCL còn thực hiện tốt công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên nhiều lĩnh vực cây trồng, vật nuôi của các tỉnh, thành phố trong vùng cũng đang tạo đột phá mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, đặc biệt là áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Điển hình tại Hậu Giang, hiện diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt gần 45.000ha; trong đó, nhiều diện tích từ cây chanh không hạt, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, mít,… được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đủ điều kiện xuất ngoại. Ngoài ra, nhiều diện tích rau màu của tỉnh được nông dân trồng trong nhà màng khép kín gắn với hệ thống tưới nước nhỏ giọt (áp dụng công nghệ 4.0) và trồng rau màu theo mô hình thủy canh sinh thái. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh cũng phát triển ổn định theo nhu cầu thị trường; còn thủy sản, nông dân Hậu Giang đang tập trung vào một số loài đặc trưng như: cá thát lát, cá tra, lươn đồng, ba ba…

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Ngoài đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi thì giống như các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Hậu Giang cũng đã xây dựng các mô hình canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu theo các quy trình kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường để góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hạt lúa; từ đây tạo điều kiện tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, hình thành tổ chức kinh tế hợp tác đại diện cho nhiều nông dân thực hiện hợp đồng kinh tế có tính pháp lý và bền vững.

Điển hình là trong vụ lúa Đông xuân 2022-2023 vừa qua, tỉnh Hậu Giang thực hiện 35 mô hình trình diễn trong khuôn khổ các hoạt động của dự án Đổi mới sáng tạo xanh (GIC), trong đó vẫn dựa trên nền sản xuất theo các quy trình canh tác đã triển khai trước đây như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Còn tại vụ lúa Hè thu đang canh tác, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai thêm 25 mô hình tại các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Tôi rất ấn tượng với những mô hình sản xuất hiệu quả gắn với ứng phó biến đổi khí hậu mà nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện. Theo đó, nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL đã định hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang mô hình tôm - lúa nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, giúp mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so độc canh cây lúa. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất kiểu mới, thuận theo tự nhiên, mùa nào thức đó đã ra đời để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, vào mùa nước nổi, những cánh đồng mênh mông nước, thay vì cố trồng lúa vụ 3, nông dân ở những vùng trũng thấp đã quây lưới quanh ruộng để thả cá nhằm tạo nguồn thu nhập và mang lượng phù sa bồi đắp cho đất lúa. Từ vài ví dụ điển hình trên cho thấy, nông dân ĐBSCL đang chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo chỉ đạo chung của Bộ NN&PTNT”.

Hiện tỷ lệ sử dụng máy móc để thay sức người và động vật trong khâu làm đất, gieo sạ lúa của tỉnh Hậu Giang đạt 100%.

Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất

Ngoài những chuyển dịch mạnh mẽ như trên thì trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng và nông dân vùng ĐBSCL đã và đang tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào canh tác để mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo chia sẻ của nhiều nông dân trong tỉnh Hậu Giang, vào thời điểm mới thành lập tỉnh (năm 2004), việc sản xuất nông nghiệp của bà con chủ yếu dựa vào sức người và vật nuôi (trâu) dùng để kéo cày. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh đã có nhiều bước tiến vượt bậc khi hình ảnh máy cấy, máy cày, máy xới, máy cắt và gieo sạ lúa,… được xuất hiện ngày càng khá phổ biến trên các cánh đồng trong tỉnh. Cụ thể, hiện tỷ lệ nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sử dụng cơ giới hóa trong làm đất và thu hoạch lúa đạt 100% và có khoảng 20% áp dụng gieo sạ bằng máy cấy, đồng thời có nhiều diện tích lúa của bà con áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái.

Ông Nguyễn Thành Lâm, ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ rằng: “Áp dụng mô hình máy cấy trong canh tác ở 6 vụ lúa qua thì tôi thấy rằng, mô hình giúp cho nông dân giải phóng được sức lao động ở nhiều khâu nên bảo vệ được sức khỏe. Bên cạnh đó, lúa cấy máy hạn chế được đổ ngã làm thất thoát khi gặp thời tiết bất lợi nên năng suất thường cao hơn ruộng không áp dụng mô hình khoảng 200 kg/ha và lợi nhuận cũng cao hơn 15%”.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho hay: Điểm nổi bật của Hậu Giang trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là tỉnh đang đẩy mạnh sử dụng thiết bị bay không người lái vào phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân cho cây lúa và cây ăn trái. Điều phấn khởi là cách làm này đang được đông đảo nông dân trong tỉnh ủng hộ. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 40 thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, cho biết: Khi áp dụng mô hình thì mật độ gieo sạ trên đồng ruộng của nông dân chỉ còn 60-65kg lúa giống/ha, trong khi hộ dân bên ngoài thì hơn 100 kg/ha. Do đó, qua tính toán sơ bộ thì với diện tích xuống giống lúa cả năm của thành phố Cần Thơ là khoảng 210.000ha thì khi áp dụng mô hình, bình quân mỗi héc-ta nông dân giảm được 40kg lúa giống trong mỗi lần gieo sạ. Như vậy, chỉ riêng phần lúa giống thì địa phương tiết kiệm được gần 10.000 tấn lúa giống, tương đương giảm khoảng 130 tỉ đồng. Ngoài ra, ước tính nông dân còn giảm thêm được khoảng 20% chi phí do giảm số lần phun thuốc và bón phân.

Qua thống kê của Bộ NN&PTNT, việc cơ giới hóa đối với cây lúa ở khâu làm đất tại vùng ĐBSCL hiện đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, thu hoạch là 95% và khâu thu gom rơm, rạ là 90%. Còn trên cây ăn trái, khâu làm đất đạt hơn 90%, chăm sóc đạt 60-70%.

“Việc chuyển đổi hình tượng truyền thống “con trâu đi trước, cái cày theo sau” bằng các thiết bị cơ giới để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng trong những năm gần đây đã góp phần giúp nông dân giải phóng được sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt, có được những thành tựu phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL thời gian qua thì không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Đến cuối năm 2022, tổng diện tích gieo trồng lúa của vùng ĐBSCL đạt 3,89 triệu héc-ta, chiếm 53,7% diện tích lúa của cả nước. Tổng sản lượng lúa tại vùng ĐBSCL trong những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Bài 2: Kinh tế tập thể làm trụ đỡ cho nông nghiệp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>