“Tam nông” - Dấu ấn một chặng đường phát triển

18/05/2023 | 07:07 GMT+7

Bài 2: Kinh tế tập thể làm trụ đỡ cho nông nghiệp

Hiện đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng có tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho thành viên lớn nhất cả nước. Do đó, trong tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL thì vai trò, tầm quan trọng của HTXNN cũng được thể hiện khá rõ trên nhiều phương diện.  

Hiện nhiều HTXNN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân và doanh nghiệp.

Tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Theo chia sẻ của ngành chức năng có liên quan của nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thì trong nhiều năm qua, mô hình kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là HTXNN luôn nhận được sự quan tâm của người dân khi ngày càng có nhiều thành viên tham gia vào mô hình. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT, đánh giá: Trong quá trình sản xuất hiện nay, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp thì việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đã gần như đạt ở mức độ cao. Do đó, để nâng cao giá trị nông sản, ngoài vấn đề quan tâm đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa thì việc liên kết sản xuất để tạo ra lượng hàng hóa lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thời hội nhập đang là xu thế bắt buộc. Vì vậy, không có con đường nào khác là nông dân phải tham gia vào các mô hình KTTT để có hướng đi phù hợp.

Hiện nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTXNN với doanh nghiệp đối tác ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến. Cụ thể là trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy vai trò tổ chức các hành động tập thể giữa hộ nông dân là thành viên HTX cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, các HTXNN còn là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp, đồng thời cũng là tác nhân điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu, xã Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, thông tin: Được thành lập năm 2008, HTX ban đầu chỉ có 13 thành viên, với diện tích 13ha; đến nay, HTX có hơn 40 thành viên với diện tích hơn 50ha và hàng trăm hộ liên kết. Từ khi ra đời đến nay, HTX luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa HTX và thành viên tham gia, trong đó phía HTX có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất đạt chuẩn GAP. Hiện sản phẩm thanh Long của HTX được liên kết xuất khẩu đi nhiều nước như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để cho thành viên yên tâm sản xuất, HTX ký hợp đồng mua hết sản phẩm với giá sàn bảo đảm nông dân có lãi, khi giá thị trường cao hơn giá sàn HTX sẽ mua cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Cùng chia sẻ mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa thành viên với HTX và doanh nghiệp, ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Từ khi thành lập (năm 2020), bên cạnh việc liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất theo công nghệ tiên tiến thì HTX còn tập trung giải quyết các vấn đề thị trường đầu ra. Trong đó, hiện đã xây dựng vùng nguyên liệu trên 300ha và đang tiêu thụ trái cây cho gần 400 thành viên cùng nhiều nông dân trong tỉnh thông qua việc ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước. Đối với trong nước, kênh tiêu thụ mạnh là hệ thống siêu thị Co.opMart, Winmart, các nhà hàng, chợ đầu mối; riêng thị trường tiêu thụ nước ngoài tập trung ở các nước Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Hàng năm, HTX tiêu thụ hơn 2.500 tấn trái cây, đạt doanh thu hơn 71 tỉ đồng”.

Bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các HTXNN thì thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương vùng ĐBSCL hướng dẫn nông dân tại vùng trồng giám sát các khâu trong quá trình canh tác, thu hoạch, cũng như các hoạt động sau thu hoạch nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó là chịu trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức triển khai; đối thoại, giải thích với nông dân, chính quyền địa phương về chuỗi cung ứng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong vùng nguyên liệu, đồng thời cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu liên kết từng vùng.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng thực hiện việc cung ứng các vật tư đầu vào cho thành viên và người dân trong vùng mà HTX liên kết về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và các loại hình dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; đảm bảo chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất và đảm bảo thu mua nông sản theo hợp đồng liên kết sản xuất đã ký kết với nông dân thông qua HTX và liên hiệp HTX. 

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, thông tin: Thời gian qua, đơn vị đã xây dựng và phát triển khá tốt diện tích liên kết sản xuất vùng nguyên liệu dựa trên sự đồng thuận hợp tác của nông dân, đại diện là các liên hiệp HTX và HTXNN kết hợp với xây dựng và phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với nông dân triển khai canh tác lúa theo quy trình, kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng, cũng như sản xuất lúa hữu cơ theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu nhằm phát triển bền vững chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Điều đáng phấn khởi là niềm tin giữa doanh nghiệp và HTX, 2 thành phần chính trong chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL đang được xác lập, từ đó tình trạng phá vỡ hợp đồng tiêu thụ do cả hai bên sẽ hạn chế dần, không gây rủi ro cho cả hai đối tác.

Không ngừng quan tâm phát triển KTTT

Xác định vai trò và tầm quan trọng của mô hình KTTT, trong đó nòng cốt là HTXNN trong việc thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho người dân nên thời gian qua mô hình KTTT luôn nhận được sự quan tâm của ngành chức năng các cấp từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, đề án, chương trình để phát triển HTXNN vùng ĐBSCL gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Bên cạnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng trong việc cụ thể hóa triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến mô hình KTTT của Trung ương, từ đó đã góp phần vực dậy mạnh mẽ mô hình KTTT và HTXNN ở địa phương.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 1 Chỉ thị, 3 Nghị quyết, 12 Kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo và thực hiện hỗ trợ phát triển HTX. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh có 4 liên hiệp HTXNN, với 70 thành viên và 219 HTXNN, chiếm 86,9% so với tổng số HTX trên địa bàn tỉnh, với 6.597 thành viên.

Ngoài công việc trên, để tạo động lực cho mô hình KTTT của tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển và hoạt động đi vào chiều sâu; hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi khảo sát và thăm hỏi một số mô hình HTX làm ăn có hiệu quả. Qua đây, giúp các HTX có thêm sức mạnh và niềm tin từ Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng nhân các chuyến đi thăm thì lãnh đạo tỉnh muốn nắm tình hình hoạt động của HTX ở các địa phương nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành phát triển HTX; từ đó kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Nhìn chung, phong trào KTTT, mà nòng cốt là HTXNN của tỉnh đã và đang có bước phát triển khá tốt, cũng như tình hình hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Giống như Hậu Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho hay: Trong thời gian vừa qua, để đồng hành hỗ trợ các HTXNN trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động và có những định hướng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng bền vững hơn, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản và các chính sách đặc thù dành cho HTXNN, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị theo thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng phê duyệt danh sách HTXNN được hỗ trợ nhân sự trẻ có trình độ về làm việc có thời hạn trong giai đoạn 2023-2025; riêng năm 2023 này sẽ hỗ trợ 60 nhân sự trẻ cho 60 HTXNN của tỉnh.

Theo nhận định của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT thì tại vùng ĐBSCL, hiện số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp được tăng lên đáng kể; đồng thời trong quá trình củng cố, nâng chất các HTX cũ và thành lập mới đã được đẩy mạnh theo hướng tích cực, đa dạng hóa về ngành nghề và dịch vụ, từ đó đáp ứng được nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa trong nông nghiệp.

“Các HTXNN tại ĐBSCL đã củng cố một bước về tổ chức quản lý, vốn quỹ, về trách nhiệm và quan hệ giữa các thành viên với HTX. Hoạt động của HTXNN cũng được đổi mới từng bước gắn được với lợi ích của thành viên và HTX. Bên cạnh đó, sự gắn bó, liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản hàng hóa đầu ra ngày càng nhiều. Do các HTX đã áp dụng tốt các quy trình sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, nhờ đó mà nhiều HTXNN của vùng ĐBSCL đã mở rộng thêm quy mô sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên. Việc mô hình KTTT phát triển gắn với thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi không nhỏ cho các địa phương vùng ĐBSCL trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT, đánh giá thêm.

Tính đến hết năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có 2.615 HTXNN và 20 liên hiệp HTXNN, chiếm 13,4% tổng số HTXNN toàn quốc. Tổng số thành viên HTXNN là 183.077 người; trung bình có 75 thành viên/HTXNN. Hoạt động của các HTXNN của ĐBSCL tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

---------------------

Bài 3: Xây dựng miền quê đáng sống

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>