Chuyển đổi số: Phải đi trước để đón đầu xu thế

28/02/2023 | 18:15 GMT+7

Xác định chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, qua đó phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, chuyển đổi số tại Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực và năm nay sẽ có thêm nhiều định hướng đi vào chiều sâu...

Chuyển đổi số đã và đang giúp người dân, doanh nghiệp được trải nghiệm nhiều tiện ích số hiện đại, thúc đẩy hình thành công dân số.

Chuyển đổi số dần đi vào thực chất

Đối với chuyển đổi số, dấu ấn quan trọng năm qua là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch và văn bản về công tác chuyển đổi số được ban hành và đi vào đời sống. Đến hết năm 2022, chuyển đổi số đã giúp thay đổi nhận thức, quy trình làm việc, phương thức điều hành, lãnh đạo, bộ máy chính quyền, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp tại tỉnh.

Như nhiều người dân trên địa bàn, hơn một năm nay, với anh Nguyễn Văn Nhạc, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, chuyển đổi số đã không còn xa lạ, nó đã hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày. Anh Nhạc chia sẻ: “Tôi đã biết sử dụng các tiện ích số để giải quyết công việc cá nhân nhanh và tiện lợi hơn như thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, đóng tiền học, mua sắm. Không chỉ vậy, ở các cơ quan nhà nước khi áp dụng chuyển đổi số đã giúp người dân chúng tôi thuận tiện hơn khi thực hiện những thủ tục hành chính”.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nền tảng số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động.

Là một trong những lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hiện nay, ngành y tế tỉnh đã và đang phát triển y tế điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Chia sẻ về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Chuyển đổi số sẽ góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao, công bằng, hiệu quả, hội nhập cả nước và quốc tế. Hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Không riêng gì lĩnh vực y tế, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn, các địa phương đã đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Trong năm 2022, tỉnh đã đưa 904 sản phẩm nông sản, 105 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đăng bán trên trang “voso.vn”, “postmart.vn”. Trong đó, đã thực hiện được 8.572 lượt giao dịch, có hơn 58.910 tài khoản truy cập trên sàn thương mại điện tử.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G. Tỉnh thí điểm triển khai phủ sóng mạng 5G tại thành phố Vị Thanh. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan đảng, nhà nước được triển khai đến các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Trong đó, cung cấp 395 dịch vụ mức 2, 140 dịch vụ mức 3 và 1.316 dịch vụ mức 4. Hệ thống đã liên thông và cập nhật thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.047 thủ tục mức độ 3, 4. Tính đến nay, ứng dụng app Haugiang đã có trên 68.595 lượt cài đặt. Ứng dụng di động này cho phép người dân tra cứu thông tin về lịch công tác, thời tiết, thị trường và tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại 75/75 xã, phường, thị trấn và 525/525 ấp, khu vực, với 3.470 thành viên tham gia. Trong năm 2022, tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tiếp nhận và xử lý trực tuyến hơn 369.000 hồ sơ), thanh toán không dùng tiền mặt (44% hộ gia đình đã cài đặt ví điện tử, tài khoản ngân hàng…), sử dụng app Haugiang (34% hộ gia đình đã cài đặt app)…

Nhìn lại kết quả chuyển đổi số, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao quyết tâm, hành động tích cực về chuyển đổi số, gắn với phong trào thi đua sôi nổi. Qua đây, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Đặc biệt, doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm dùng chung phục vụ hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với hồ sơ trực tuyến ngày càng tăng; Công tác xây dựng chính quyền điện tử cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Đã triển khai tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh. Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…

Với quyết tâm phát triển, hành trình chuyển đổi số của tỉnh kỳ vọng sẽ có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả ấn tượng hơn nữa trong năm nay cũng như những năm tiếp theo.

Thúc đẩy chuyển đổi số chuyển biến tích cực hơn nữa

 

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt các chủ trương về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nền tảng số, hạ tầng số; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Tham mưu đề xuất hoàn thiện môi trường pháp lý, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phát triển xã hội số và thu hút các doanh nghiệp công nghệ số vào Khu công nghệ số của tỉnh. Các sở, ngành hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành đất đai, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… để thực hiện chuyển đổi số thật sự hiệu quả, chuyển biến tích cực trong năm nay cũng như trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>