Tháo trở ngại “cản chân” đường cao tốc

12/06/2023 | 09:54 GMT+7

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc thì phải triển khai khoảng 1.300km đường cao tốc trong 3 năm tới. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ các bộ, ngành và các địa phương để cao tốc đảm bảo tiến độ, chất lượng đặt ra.

Người dân Hậu Giang đồng thuận cao trong việc bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh.

Thiếu cát đắp nền đường

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai các dự án đường bộ cao tốc diễn ra vào ngày 1-6 vừa qua, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300km đường cao tốc.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai dự án cao tốc trong hơn 20 năm, tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng phân tích, khó khăn đầu tiên là một số quy định pháp luật còn bất cập; một số thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành; thời gian từ khi đề xuất cho đến khi khởi công dự án kéo dài; một số hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau khi triển khai.

Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thường chậm; còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được xử lý kịp thời. Nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương. Khi các dự án giao thông triển khai đồng loạt gây khan hiếm về nguồn cung. Trong khi đó, thủ tục cấp phép mỏ mới còn phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được giao quản lý, triển khai các dự án cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu… cho biết, do được hưởng chính sách đặc thù nên phần lớn các dự án tại khu vực ĐBSCL được chỉ định thầu; được chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ; nguyên tắc không chia nhỏ các gói thầu. Nhu cầu cát xây lắp thi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau lên đến 18 triệu m3. Hiện nguồn vật liệu (cát sông) đang rất khan hiếm nên ảnh hưởng đến tiến độ. Dự án đang tiến hành thử nghiệm sử dụng cát biển để thay thế, nếu thấy phù hợp sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định vùng, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án, đăng ký làm việc với từng địa phương trong vùng để khảo sát chất lượng, trữ lượng, khả năng khai thác và cung cấp cho dự án, đăng ký với địa phương có nguồn vật liệu để xây dựng kế hoạch, hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định về mở mỏ vật liệu mới, nâng công suất các mỏ đang khai thác... Đặc biệt, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang phối hợp với các bên liên quan thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Chủ động, linh hoạt tháo gỡ vướng mắc

Nhìn nhận việc công bố chỉ số giá của địa phương còn chậm, không cập nhật kịp thời theo diễn biến của thị trường dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý chi phí của các dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị các chủ đầu tư ngay trong bước lập dự án cần rà soát và sớm có ý kiến với Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương công bố chỉ số giá phù hợp theo kịp diễn biến thị trường, đặc biệt là các vật tư, vật liệu phổ biến tại địa phương được đưa vào sử dụng cho dự án để có cơ sở thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Hậu Giang là địa phương có 2 tuyến cao tốc đi qua là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng dự án diễn ra đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với công tác lập dự án đầu tư nên nhiều thủ tục bước đầu còn lúng túng; thực hiện hoàn thành trong thời gian rất ngắn, khối lượng công việc nhiều nên phải tập trung nhiều nguồn lực cho công tác này. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình trọng điểm; xây dựng kế hoạch cụ thể về mốc thời gian và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết hướng tới tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch của Thủ tướng, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết dứt điểm những trường hợp chưa bàn giao đất, để đảm bảo theo chỉ đạo chung. Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo, phê duyệt, chi trả sớm dự án cao tốc do tỉnh làm cơ quan chủ quản để đảm bảo triển khai trong tháng 6 này. Ngoài ra, mong muốn bộ, ngành Trung ương xem xét, điều phối nguồn vật liệu về cho các tỉnh triển khai thực hiện dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đặc biệt là cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát san lấp cho các tỉnh, trong đó có tỉnh Hậu Giang.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, thời gian qua cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, rất nhiều giải pháp quan trọng, hiệu quả đã được đưa ra để tổ chức triển khai các dự án đường bộ cao tốc.

Kinh nghiệm đắt giá nhất trong triển khai các dự án đường cao tốc là sự đồng lòng thực hiện quyết tâm chính trị rất cao từ trên xuống dưới. Thứ hai là phân công, phân cấp và giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, gắn với trách nhiệm để kiểm điểm tiến độ thực hiện đúng đối tượng, đúng địa chỉ.

Cần phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để dự án cao tốc Bắc - Nam đạt hiệu quả đầu tư cũng như tiến độ hoàn thành. Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương cần phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, gắn với trách nhiệm; chấn chỉnh tư tưởng né tránh, đùn đẩy. Nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu thi công, đường công vụ, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển đất nước.

Các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và cần phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần cho dự án cao tốc được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.

Bộ Giao thông Vận tải đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện để các dự án cao tốc triển khai đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu đề ra. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch, không né tránh, để người dân đồng thuận trong việc triển khai dự án…

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng về phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường bộ cao tốc, từ năm 2020 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566km (trong đó có 166km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729km, như vậy chỉ trong 3 năm đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300km đường cao tốc.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>