Cần làm gì khi trẻ thừa cân, béo phì ?

27/12/2023 | 10:27 GMT+7

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì (TCBP), có nguyên nhân do dinh dưỡng không hợp lý, lối sống thụ động.

Cần tăng cường cho trẻ vận động bên cạnh chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế TCBP.

Kiểm soát tình trạng TCBP ở trẻ

Cô Huỳnh Cẩm Mỹ, giáo viên phụ trách lớp lá 3, Trường Mầm non Vành Khuyên, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Đầu năm, qua cân đo lớp có 2 bé béo phì. Đối với trẻ béo phì sẽ hạn chế cho ăn nhiều tinh bột, tăng cường cho trẻ ăn canh rau, tham gia các trò chơi, hoạt động vận động”. Năm học 2023-2024, qua cân đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ đầu năm, Trường Mầm non Vành Khuyên có tổng số 6 trẻ béo phì, tập trung ở các lớp lá.

Tương tự, tại Trường Mẫu giáo Lương Tâm, huyện Long Mỹ, chăm sóc trẻ TCBP được chú trọng. Bà Võ Thị Kim Gương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lương Tâm, cho biết: “Thực tế hiện nay, điều kiện sống của các gia đình tốt hơn, trẻ ăn uống đầy đủ hơn và nhiều trẻ thích ăn trà sữa, gà rán, ăn bánh ngọt nhiều, uống nước có ga, lại ít vận động, hay xem điện thoại, tivi,... nên dễ bị TCBP. Chúng tôi lưu ý các giáo viên trong chăm sóc trẻ tăng cường vận động qua giáo dục thể chất”.

Các trường mầm mon, mẫu giáo, mỗi năm sẽ tổ chức cân đo trẻ 4 lần định kỳ để đánh giá sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhằm có giải pháp phù hợp, cải thiện dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Các ngành có liên quan cũng tăng cường nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống béo phì ở trẻ, truyền thông nguy cơ bệnh tật ở trẻ béo phì,... đã góp phần kiểm soát tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi TCBP ở tỉnh ở mức 0,55% như hiện nay.

Chăm sóc dinh dưỡng, vận động như thế nào khi trẻ béo phì ?

Theo bác sĩ Thạch Neng Xuân Chính, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, nguyên nhân dẫn đến TCBP ở trẻ có thể là do béo phì nội sinh, chiếm tỷ lệ dưới 10%. Tình trạng béo phì này có thể là do nội tiết, trẻ bị suy giáp, cường năng tuyến thượng thận, cường Insulin nguyên phát, bệnh lý vùng dưới đồ mắc phải… hay do di truyền khi trẻ bị hội chứng down, hội chứng Parder - Wili… Ngoài ra có thể do nguyên nhân ngoại sinh, chiếm tỷ lệ trên 90%. Trẻ có chế độ dinh dưỡng không hợp lý khi ăn quá nhiều năng lượng hơn nhu cầu (ăn nhiều chất béo, bột đường, thói quen ăn vặt, ăn đêm, ăn nhanh…) hay lối sống thụ động (ít vận động cơ bắp).

Chăm sóc trẻ TCBP cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng và hạn chế ăn sau 20 giờ. Tức là ăn nhiều vào bữa sáng, bữa trưa và giảm ăn vào bữa chiều và bữa tối. Cho trẻ uống sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau. Hạn chế ăn ngọt. Hạn chế cho trẻ ăn nhiều năng lượng như xúc xích, humberger, gà tẩm bột chiên, mì tôm, kem, bánh kem, sô-cô-la và bánh ngọt. Hạn chế mỡ, phủ tạng động vật và da động vật. Ngoài ra, cần tăng cường cho trẻ hoạt động thể lực.

Trong điều trị béo phì cho trẻ em, áp dụng điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể lực tối thiểu 60 phút mỗi ngày. Nên đa dạng hóa tối đa các hình thức tập luyện, hạn chế thời gian dành cho ngồi, hoạt động tĩnh tại và tiếp xúc với màn hình.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>