Mô hình nhiều triển vọng

27/11/2023 | 06:51 GMT+7

Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với mô hình nuôi dê thương phẩm nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Châu Thành A đạt nhiều kết quả bước đầu.

Năm 2023, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành A chọn mô hình nuôi dê là mô hình sinh kế hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Nhiên, ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, thông tin: “Năm 2022, địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi 3 con dê giống, nhờ có nguồn thu nhập ổn định qua việc bán dê thịt và dê giống, vợ chồng tôi vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định, không còn lo thiếu trước hụt sau”.

Trước đây, gia đình ông Nhiên từng là hộ nghèo của địa phương, do thiếu điều kiện phát triển kinh tế, tuổi cao… nên vợ chồng ông dù chí thú làm ăn, vẫn không thể thoát nghèo. Sau thời gian chăm sóc, 3 con dê giống được hỗ trợ của ông Nhiên bắt đầu sinh sản. “Dê dễ nuôi, ăn mạnh, mau lớn, tuy nhiên để dê sinh trưởng tốt cần phải có các biện pháp phòng bệnh tốt như hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát định kỳ khử trùng chuồng nuôi. Mô hình nuôi dê rất thích hợp với hộ nghèo, bởi nhẹ công chăm sóc”, ông Nhiên chia sẻ thêm.

Không chỉ vươn lên thoát nghèo, anh Trương Văn Khánh, ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, còn có được 1 đàn dê 5 con đang trong giai đoạn sinh sản. Anh Khánh tâm sự: “Trước giờ, gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào đồng lương từ công việc làm ở xưởng gỗ, nhờ địa phương hỗ trợ 3 con dê giống, vợ chồng đã thực hiện được mô hình khá hiệu quả. Bây giờ ngoài thời gian làm ở xưởng gỗ, tôi tranh thủ đi cắt thêm cỏ, chủ động đến các vườn mít lân cận để xin mít non bỏ, về làm thức ăn cho dê. Sau khi xuất bán các lứa dê con giống, gia đình tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Qua đây, nhằm tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế gia đình”.

Theo anh Khánh, dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao, chuồng nuôi phải được làm cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa… Sàn chuồng cách mặt đất từ 1-1,5m, để khe hở khoảng 1-1,5cm để phân dê lọt xuống đất tránh hôi thối. Nhờ cách làm này, trong quá trình chăn nuôi anh Khánh đã giảm bớt thời gian vệ sinh chuồng trại mỗi ngày.

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, năm 2022 xã Thạnh Xuân là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện triển khai mô hình hỗ trợ nuôi dê thương phẩm dành cho hộ nghèo. Có 12 hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi dê, kết quả đến cuối năm 100% các hộ đã thoát nghèo. Từ 36 con dê giống hỗ trợ ban đầu đến nay, đàn dê đã cho sinh sản được 73 con dê con, nhờ vậy các hộ thực hiện mô hình đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ còn vươn lên khá, giàu.

Thêm mô hình triển vọng cho hộ nghèo

Đánh giá về việc triển khai mô hình nuôi dê trên địa bàn, ông Hà Văn Chính, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai rất nhiều mô hình chăn nuôi hỗ trợ hộ nghèo như bò, gà… Các mô hình này cũng khá hiệu quả, nhưng đầu ra vẫn bấp bênh, phải bỏ chi phí chăn nuôi trong khi hộ nghèo thường không có nhiều vốn. Năm 2022, sau khi xã Thạnh Xuân thực hiện mô hình nuôi dê, chúng tôi thấy đây là mô hình hiệu quả, bởi nuôi dê chi phí đầu tư ít, lại nhanh sinh sản. Năm nay nhiều xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung hướng dẫn hộ nghèo thực hiện mô hình nuôi dê thương phẩm”.

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023, có 7/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành A triển khai hỗ trợ mô hình nuôi dê cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 con dê giống đang trong giai đoạn sinh sản và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi…

“Chúng tôi nhận thấy, mô hình nuôi dê triển vọng đối với hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện. Ngay tại địa phương đã có trang trại dê lớn, nơi đây không chỉ cung cấp con giống tốt, mà còn đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Địa phương kỳ vọng, các hộ tham gia mô hình nuôi dê sẽ tích cực áp dụng các kỹ thuật, quy trình vào chăn nuôi, để mô hình đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”, ông Hà Văn Chính chia sẻ thêm.

Với những hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho người dân, con dê đang ngày càng khẳng định vị trí trong chăn nuôi. Bằng chứng là có nhiều hộ từ nuôi dê, đời sống ngày càng ổn định, kỳ vọng đây sẽ là mô hình giúp giảm nghèo bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>