Khúc mắc trong nâng cao chất lượng giáo dục ĐBSCL

10/04/2023 | 06:21 GMT+7

Sau nhiều nỗ lực đến nay, chất lượng giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) đã thoát khỏi “vùng trũng” nhưng thực tế vẫn ở mức thấp so với cả nước. Những điều này được xem là khúc mắc lớn trong bài toán nâng cao chất lượng giáo dục vùng.

Để giáo dục vùng ĐBCSL phát triển xứng tầm, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp chiến lược lâu dài.

Nhân lực chưa xứng tầm

Tại Hội nghị phát triển giáo dục vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đã đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của ĐBSCL đã tiệm cận với trung bình chung của cả nước, một số chỉ số giáo dục đạt trung bình và trên trung bình cả nước. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của đồng bằng vẫn còn những điều đáng quan tâm và cần tiếp tục được cải thiện: tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp 14,9%, tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ đạt 6,8% thấp nhất cả nước; quy mô giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.

ĐBSCL hiện có 2.022 trường mầm non, 5.671 trường tiểu học, 1.341 trường THCS, 350 trường THPT, 17 trường đại học. Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo chuẩn quốc gia còn thấp so với bình quân cả nước, chỉ đáp ứng 40,8-52,3% tùy cấp học so với yêu cầu tối thiểu. Đây là trở ngại lớn khiến chất lượng nguồn nhân lực của vùng chưa được đảm bảo.

TS. Huỳnh Anh Huy, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Theo thống kê năm 2021, dân số vùng ĐBCSL là khoảng 18 triệu người, trong đó lao động từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chỉ chiếm 14,61% (thấp nhất cả nước, so với trung bình cả nước là 26,13%; khu vực đồng bằng sông Hồng là 36,96%). Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ đạt 6,8%. Điều này cho thấy, cần phải có những giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, thông qua giáo dục và đào tạo nghề.

Là thành phố trung tâm, đầu tàu của ngành giáo dục khu vực ĐBSCL, thành phố Cần Thơ được đánh giá là địa phương có chất lượng giáo dục với nhiều khởi sắc so với các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, đến nay giáo dục của địa phương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, khiến thành phố chưa thể phát triển xứng tầm. TS. Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, chia sẻ: Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán về số lượng, cơ cấu giáo viên, trang thiết bị dạy học, chương trình học.

Tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu diễn ra phổ biến, đặc biệt là thiếu ở những môn như tin học, âm nhạc, các môn tích hợp. Bên cạnh đó, thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là những phòng học chuyên dụng. Chương trình học vẫn chưa được thiết kế khoa học, nhất là những môn như giáo dục địa phương vẫn còn mang tính hình thức…

Đáng quan tâm là nhân lực vùng ĐBSCL đang bị các đơn vị tuyển dụng đánh giá không có nhiều kỹ năng thực tế, hầu như chỉ mạnh về lý thuyết. Sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp phải tốn chi phí và thời gian đào tạo lại mới có thể làm việc được.

Hiến kế để giáo dục ĐBSCL vươn tầm

Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng đến nay, chất lượng giáo dục và đào tạo ở khu vực này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Để vươn lên, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng, công tác giáo dục và đào tạo rất cần những giải pháp mang tính chiến lược.

Theo TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: Hội nhập quốc tế trong giáo dục là xu hướng và tính tất yếu khi bàn tới giải pháp nâng cao chất lượng. Một số hình thức hội nhập quốc tế trong giáo dục có thể kể đến như liên kết đào tạo với nước ngoài (nhiều mô hình liên kết đa dạng như công nhận học phần, chuyển đổi tín chỉ, trao đổi sinh viên…); nghiên cứu khoa học (cho phép các trường đại học chia sẻ tài nguyên và kinh nghiệm của mình với các trường đại học khác trên toàn thế giới); kiểm định quốc tế và xếp hạng quốc tế (một số tổ chức đánh giá kiểm định được quốc tế công nhận như: ABET, AQAS, AACSB...); tài trợ quốc tế, liên kết trong đầu tư giáo dục…

Các hình thức hội nhập quốc tế trong giáo dục tuy khác nhau về cách thức song đều mang lại nhiều giá trị to lớn, ý nghĩa đối với cơ sở đào tạo cũng như đối với người học.

Tuy nhiên, để hội nhập quốc tế mang lại hiệu quả thiết thực, các đơn vị đào tạo của Việt Nam, trong đó có ĐBSCL cần xây dựng chương trình đào tạo đi đôi với kiểm định để đảm bảo chất lượng chương trình. Chú trọng lựa chọn các cơ sở giáo dục, đối tác nước ngoài uy tín và chất lượng, phát triển các ngành mũi nhọn đặc thù, đúng chuyên môn. Chính quyền địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hội nhập quốc tế trong giáo dục bằng cách ban hành chính sách hỗ trợ, phối hợp với các trường đại học để xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực vùng và địa phương.

Đối với vấn đề đào tạo nhân sự sau khi tuyển dụng của các doanh nghiệp, theo ông Timothy Ong, Trưởng văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam: Cần tạo được sự liên kết các trường đại học với các nơi sử dụng lao động ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy, các sinh viên mới có cơ hội thực tập và hoàn thiện kỹ năng nghề trước khi tốt nghiệp. Năm 2022, USAID đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, hỗ trợ các trường đại học phát triển các chương trình học nhấn mạnh vào tính ứng dụng. Qua đây, tạo cơ hội cho người học được tương tác với những lý thuyết được học; xây dựng khả năng học tập và nghiên cứu suốt đời cho người học.

Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, đề nghị: Các đơn vị đào tạo cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn với các sở, ngành để xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương. Cần có nhiều hơn nữa các chương trình nghiên cứu sáng tạo cấp vùng, nhằm thúc đẩy phong trào ứng dụng lý thuyết thành những sáng kiến thiết thực, giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, nâng cao năng suất công việc.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>