Bước tiến của khuyến nông Hậu Giang

14/02/2024 | 04:21 GMT+7

Với sự nỗ lực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ nên ngành khuyến nông Hậu Giang đã có nhiều bước tiến sau 20 năm thành lập.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN&PTNT tỉnh khảo sát và đánh giá cao việc người dân Hậu Giang thực hiện tem truy xuất nguồn gốc cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Đưa tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân

Từ khi thành lập đến nay, ngành khuyến nông Hậu Giang luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người nông dân bằng nhiều hình thức. Trong đó, nổi bật là hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến cho nông dân trong nuôi trồng một số cây, con mang tính đặc trưng, tiềm năng của tỉnh theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Thời gian qua, nông dân trồng lúa ở đây được tham gia nhiều lớp tập huấn về sản xuất theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” do cán bộ ngành khuyến nông của tỉnh, huyện trực tiếp truyền đạt. Thông qua tập huấn đã giúp nông dân giảm được chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận và giảm ô nhiễm môi trường trên cùng diện tích canh tác”.

Ngành khuyến nông Hậu Giang hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm.

Bên cạnh mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân trên cây lúa, cây ăn trái, thủy sản thì Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp (TTKN&DVNN) tỉnh còn thành lập được 2 Điểm tư vấn - dịch vụ khuyến nông tại phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ và tại số 195L, khu Cát Tường, khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh. Nơi đây đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn miễn phí cho bà con nông dân về các chính sách đầu tư, hỗ trợ của ngành nông nghiệp; tư vấn về khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như những quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc TTKN&DVNN tỉnh, thông tin: Từ khi thành lập đến nay, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan và người dân tại các địa phương trong tỉnh xây dựng và thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó là xây dựng thí điểm thành công mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới. Ngoài ra, còn hỗ trợ người dân áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), trong đó đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP thành công trên 5 nông sản chủ lực, gồm: lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn; đồng thời phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch của tỉnh như: khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày...

Qua tổng hợp sơ bộ của ngành Khuyến nông Hậu Giang, tính từ năm 2004 đến nay, TTKN&DVNN tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình và hỗ trợ khoa học kỹ thuật trên cây lúa được tổng diện tích hơn 8.000ha, với gần 9.500 hộ tham gia; trên cây ăn trái có hơn 600ha, với hơn 1.100 hộ tham gia; cây khóm có 43ha, với 119 hộ tham gia; cây mía có 70ha, với 138 hộ tham gia; cây rau màu có 193ha, với 729 hộ tham gia; lĩnh vực thủy sản thực hiện hơn 178ha gồm nhiều mô hình…

Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định: Hiệu quả từ việc thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã từng bước nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là xóa dần những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, nâng dần lên sản xuất theo quy mô tổ hợp tác, HTX; qua đây góp phần xây dựng những mô hình trọng điểm, tập trung với quy mô hàng hóa lớn và sản phẩm mang tính chủ lực của địa phương.

Đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn góp phần tăng tính liên kết và thị trường tiêu thụ. Điển hình như khi các sản phẩm được nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và được chứng nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh thì hiện được tiêu thụ rất thuận lợi ở ba thị trường, gồm: nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A, cho hay: Thời gian qua, hệ thống khuyến nông địa phương đã có sự đóng góp rất lớn cho huyện trong việc xây dựng và hình thành được vùng liên kết sản xuất lúa với quy mô khoảng 5.000ha, đồng thời xây dựng 2 mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa với diện tích khoảng 800ha và một số cánh đồng số hóa hơn 100ha. Ngoài ra, ngành khuyến nông địa phương còn tham mưu cho lãnh đạo huyện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái, rau màu và vùng nuôi cá ruộng gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Bên cạnh tăng cường tính liên kết trong sản xuất thì TTKN&DVNN tỉnh còn ra mắt sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản Hậu Giang. Đây là kênh website giúp người nông dân, HTX, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh đưa nông sản, sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tăng cường công tác quảng bá sản phẩm; đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo chuỗi sản xuất gắn với truy xuất nông sản đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, đã có hơn 3.000 thành viên đăng ký, với khoảng 500 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Hàng năm, TTKN&DVNN tỉnh còn hỗ trợ hơn 80.000 tem truy xuất nguồn gốc QR-Code cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc TTKN&DVNN tỉnh Hậu Giang, thông tin: Ngoài những hoạt động trên thì thời gian qua, đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, nông dân đi tham quan thực tế nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh; qua đây giúp nông dân trong tỉnh có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hàng năm đơn vị còn tạo điều kiện cho nông dân tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của mình tại các cuộc hội chợ trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân được tốt hơn.

Qua 20 năm thành lập, công tác khuyến nông của tỉnh đã góp phần giúp hơn 35.960 hộ dân có mô hình cho lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận bình quân khoảng 95 triệu đồng/ha/năm; đồng thời có 12.840 hộ dân có mô hình cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm.

 

HOÀI THU - HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>