Diện mạo mới của chợ nông thôn

09/01/2024 | 07:47 GMT+7

Những năm gần đây, cùng với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng của nhiều chợ nông thôn. Đồng thời, tổ chức cơ cấu, chuyển đổi lại mô hình quản lý để xây dựng các chợ khang trang, sạch đẹp, góp phần đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Từ khi được đưa vào hoạt động, chợ Nàng Mau không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán, kinh doanh của người dân mà còn tạo vẻ mỹ quan cho khu vực trung tâm thị trấn.

Phát huy chợ truyền thống

Chợ nông thôn từ trước đến nay vẫn luôn là hình thức buôn bán truyền thống của người dân. Đây là nơi giao lưu, mua bán và trao đổi các sản phẩm từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, hàng hóa tiêu dùng đến dịch vụ giữa các hộ dân. Chợ nông thôn không chỉ đóng vai trò là nơi tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, mà còn là nơi duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội và lịch sử của địa phương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chợ nông thôn đã có những biến đổi lớn về quy mô, chức năng và hoạt động, phát triển thành trung tâm kinh tế của địa phương. Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, số lượng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh là 65 chợ, trong đó có 6 chợ hạng 1; 7 chợ hạng 2; 50 chợ hạng 3 và 2 chợ đêm tại thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy. Nhiều chợ nông thôn đã được đầu tư cải tạo, xây dựng mới hoặc di dời để phù hợp với quy hoạch đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, chợ nông thôn cũng đã mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ bán các sản phẩm truyền thống, mà còn bán các sản phẩm công nghiệp, hàng nhập khẩu, hàng online và các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, du lịch...

Tại chợ Nàng Mau, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân mua bán nhộn nhịp, những con đường vào chợ tấp nập người qua lại. Có vị trí nằm ở khu vực trung tâm của thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, chợ có diện tích 6.329m2, diện tích xây dựng chợ là 3.601m2, có 214 hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh cố định là 180 hộ. Trước đây, do truyền thống sinh hoạt, giao thương của người dân, chợ chỉ hoạt động nhỏ lẻ và cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư bài bản. Hiện tại, chợ đã được Công ty TNHH Đầu tư phát triển - Siêu thị Việt Mai đầu tư, quản lý. Chợ được chia thành 5 khu gồm: khu nhà lồng bách hóa, khu thực phẩm, khu trái cây, khu ăn uống giải khát và khu 32 ki-ốt mặt tiền trước nhà lồng bách hóa. Chợ được quy hoạch lại đã giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và an toàn phòng cháy chữa cháy; tạo vẻ mỹ quan khu vực có tập trung mua bán đông người; đồng thời, chợ được quản lý sạch đẹp nên không chỉ thu hút toàn bộ số tiểu thương từng bán ở chợ cũ mà còn có thêm các hộ kinh doanh mới tới đăng ký.

Được bố trí chỗ ngồi bán hàng trong chợ, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, một tiểu thương bán trái cây tại chợ Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Từ khi được chuyển vào khu chợ mới, hàng hóa được phân thành từng khu riêng, hết buổi có Ban Quản lý chợ quản lý, bảo vệ nên tôi và các tiểu thương khác rất yên tâm, không cần thu dọn hàng hóa đến tối mỗi khi hết buổi chợ nữa. Các lối đi và bãi giữ xe cũng được mở rộng và sắp xếp hợp lý nên người dân cũng dễ dàng đến mua, lượng khách ổn định nên những người làm nghề buôn bán như chúng tôi cũng thoải mái hơn trước”.

Sự thay đổi của chợ nông thôn không chỉ biểu hiện qua bước “nhảy vọt” của cơ sở hạ tầng thương mại, mà còn là sự xôm tụ, tấp nập, các loại hàng hóa được bày bán đầy đủ hơn tạo nên cảnh quan đô thị sạch đẹp, hấp dẫn. Đặc biệt phải kể đến chính là chợ nông thôn Vị Thanh, hay còn được gọi một cách gần gũi là “chợ quê giữa lòng thành phố”. Chợ có vị trí nằm gần cầu Cái Nhúc, đường Trần Hưng Đạo, phường III, thành phố Vị Thanh. Bắt đầu họp chợ từ 2 giờ sáng cho đến xế trưa, độ 10 giờ là giải tán. Khuôn viên chợ chừng 700m2 tiếp giáp mặt lộ và mặt sông, ngoài trời, nên chợ rất bình dị và đơn sơ vì người bán thường ngồi xổm hoặc kê ghế nhỏ, bày biện hàng hóa trong khoảng 2-4m2 quanh mình. Do đó, nơi này còn được gọi bằng cái tên dân dã là chợ “chồm hổm”. Chợ tuy mang chất quê vì bán toàn sản vật đồng quê do nông dân tự trồng tự bán, nhưng vẫn được quản lý an toàn, trật tự, giá cả phải chăng, vừa mang đậm nét truyền thống của chợ nông thôn xưa, vừa được quản lý theo hướng hiện đại.

Đến với Khu trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố Ngã Bảy, cảm nhận đầu tiên là sự tấp nập, náo nhiệt của tiểu thương và người mua. Được đưa vào hoạt động từ năm 2018, khu thương mại mới được quy hoạch gồm 2 nhà lồng chính của chợ, các gian chợ được phân ô để cho tiểu thương kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, điện lạnh, quầy thuốc... Khu chợ tại trung tâm thương mại mới được xây dựng khang trang trên khuôn viên rộng rãi, ở vị trí phù hợp. Dự án Khu trung tâm thương mại - dịch vụ thành phố Ngã Bảy có tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp Miền Nam làm chủ đầu tư. Tổng diện tích toàn khu khoảng 6.100m2. Giờ đây, khi đến chợ Ngã Bảy, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự hiện đại và vẻ đẹp của nó.

Nét đẹp mộc mạc, đậm chất truyền thống của người dân tại chợ “chồm hổm” Vị Thanh.

Bước tiến mới cho chợ hiện đại

Với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh và internet ở khu vực nông thôn, nhu cầu số hóa thị trường nông thôn ngày càng tăng lên. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Điều này mở ra cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ tận dụng các nền tảng số để bán hàng, quảng bá sản phẩm và kết nối với khách hàng. Hiện tại, chợ 4.0 đã không còn quá xa lạ đối với người dân trong tỉnh.

Anh Huỳnh Văn Vũ, tiểu thương tại chợ Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi là một trong những người tiên phong áp dụng nhiều giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả kinh doanh tại địa phương như sử dụng các ứng dụng giao hàng, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, thanh toán không tiền mặt... Từ khi áp dụng chuyển đổi số, tôi cảm thấy việc mua bán diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với cách làm truyền thống, không chỉ giúp tiểu thương chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn mà còn giảm thiểu chi phí, tăng doanh thu và cải thiện chất lượng dịch vụ để buôn bán ngày càng phát triển hơn nữa”.

Muốn phát triển chợ nông thôn trở thành trung tâm kinh tế hoàn chỉnh, một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết chính là cơ sở hạ tầng. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn vẫn còn thiếu hụt đường sá, cầu, điện, nước và các tiện ích khác để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp nhỏ. Đối với vấn đề này, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan mở rộng các chợ truyền thống trên địa bàn, nâng cấp sửa chữa ki-ốt đã cũ, xuống cấp, để các tiểu thương trao đổi, mua bán được thuận tiện hơn. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan của UBND các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp trật tự trong chợ, làm việc trực tiếp với các tiểu thương mua bán lấn chiếm lối đi, vỉa hè, tự túc cho thuê vỉa hè trước nhà.

Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, đến nay, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã và đang ngày càng hoàn thiện, chợ nông thôn trở thành lăng kính phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhiều chợ đã đáp ứng được vấn đề văn hóa thẩm mỹ về kết cấu hạ tầng, văn minh về không gian trao đổi hàng hóa, hiện đại về tổ chức quản lý. Điều này đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh Hậu Giang. Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, chợ nông thôn từng bước phát triển vươn lên, xứng tầm với vùng phát triển kinh tế tại đồng bằng sông Cửu Long.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>