Đổi thay nông nghiệp, nông thôn

31/12/2023 | 14:19 GMT+7

Lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều thay đổi, phát triển đáng kể trên các mặt sau 20 năm thành lập tỉnh.

Nông dân Hậu Giang đã và đang ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa để hình thành cánh đồng không dấu chân.

Nông nghiệp phát triển

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho canh tác lúa và nhiều loại cây trồng. Thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt của ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương nên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, cũng như chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ về sự đổi thay trong canh tác lúa hiện nay, lão nông Nguyễn Văn Trường (72 tuổi), ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Còn nhớ vào những năm đầu mới thành lập tỉnh (2004), mỗi lần vào vụ thu hoạch lúa là phải mất từ 2-3 ngày mới đưa lúa về đến nhà vì phải qua nhiều công đoạn là cắt lúa bằng tay, rồi dùng sức trâu kéo gom từng bó lúa lại, sau đó máy mới suốt. Khi suốt lúa xong thì dùng ghe hoặc vỏ lãi chở lúa về nhà để phơi cho khô rồi mới kêu ghe mua lúa lại cân. Mấy đứa lớp trẻ bây giờ làm gì biết chuyện lấy cây tre, cây trúc làm “cây sào” đi đo công cắt. Bởi nhiều năm qua, việc thu hoạch lúa của nông dân trong tỉnh đã có máy cắt làm, bà con chỉ việc đứng trên bờ mẫu nhìn rồi xem cân lúa, tính tiền là xong nên rất khỏe”.

Hiện nay, 100% khâu thu hoạch và làm đất trong canh tác lúa của nông dân trong tỉnh đã được cơ giới hóa, đồng thời nhiều nông dân đã ứng dụng máy cấy, máy sạ hàng, mấy phun trong gieo sạ lúa và áp dụng thiết bị bay không người lái vào khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, cũng như bón phân, sạ lúa. Bên cạnh đó, để giúp người dân chủ động các khâu trong sử dụng nước nên nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã được đầu tư hệ thống đê bao khép kín và có trạm bơm, trong đó không ít cánh đồng có hệ thống trạm bơm điện tự động để giúp việc canh tác lúa của người dân được thuận tiện và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất thì nông dân trên địa bàn tỉnh còn tăng cường tính liên kết trong sản xuất với việc hình thành nhiều cánh đồng mẫu trong canh tác lúa, cũng như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về an toàn thực phẩm, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vị Thủy 1, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cho hay: Trong vụ lúa Đông xuân đang canh tác, HTX được Nhà nước hỗ trợ 100ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, qua đây làm nền tảng cho HTX tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm gạo an toàn thực phẩm để cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời nâng cao giá trị hạt gạo và nguồn thu nhập cho xã viên.

Hiện diện tích canh tác lúa của tỉnh đạt khoảng 74.000ha, trong đó tỉnh đã hình thành vùng lúa chất lượng cao gắn với liên kết sản xuất thông qua mô hình cánh đồng lớn với diện tích khoảng 35.000ha. Năng suất lúa bình quân của tỉnh trong gần 10 năm qua tăng từ 5,8 tấn/ha (năm 2014) lên 6,67 tấn/ha (năm 2023). Hiện tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh đạt gần 190.000ha. Tổng sản lượng lúa của tỉnh trong những năm gần đây duy trì ổn định và đóng góp vào sản lượng chung của cả nước từ 1,2-1,3 triệu tấn/năm.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Hiện nay, Hậu Giang đã hình thành những cánh đồng lớn với diện tích hàng trăm héc-ta. Đặc biệt là dần từng bước hình thành cánh đồng không dấu chân người khi áp dụng quy trình canh tác lúa tiên tiến và được cơ giới hóa đồng bộ với máy sạ cụm, máy cấy, máy bay không người lái rải phân bón, phun thuốc, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Ngồi tại nhà, nông dân có thể kiểm tra đồng ruộng thông qua trạm giám sát sâu rầy tự động, biết được mực nước trên ruộng nhờ vào cảm biến thông minh và có thể điều khiển máy bơm tưới, tiêu thoát nước dù đang ở bất cứ nơi đâu chỉ bằng những thao tác trên điện thoại di động.

Bên cạnh sự phát triển trên cây lúa thì ngành chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh còn thực hiện tốt công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên nhiều lĩnh vực cây trồng, vật nuôi của tỉnh đang tạo đột phá mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, đặc biệt là áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Điển hình là hiện diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt gần 45.000ha; trong đó, nhiều diện tích từ cây chanh không hạt, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, mít,… được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đủ điều kiện xuất ngoại. Ngoài ra, nhiều diện tích rau màu của tỉnh được nông dân trồng trong nhà màng khép kín gắn với hệ thống tưới nước nhỏ giọt và trồng rau màu theo mô hình thủy canh sinh thái; đồng thời lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định theo nhu cầu thị trường; còn thủy sản, nông dân Hậu Giang đang tập trung vào một số loài đặc trưng như: cá thát lát, cá tra, lươn đồng, ba ba…

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đánh giá: Sau 20 năm hình thành và phát triển, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà không ngừng tăng trưởng qua từng năm, từ đó tạo bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan được ban hành, hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống nông dân. Hướng tới, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở và bà con nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của từng vùng, đồng thời áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, cũng như xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để giúp kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Nhờ ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lúa của tỉnh luôn đứng tốp đầu của vùng ĐBSCL và đang đạt bình quân 6,67 tấn/ha. 

Nông thôn đổi mới

Song song với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người dân được nâng cao thì bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều thay đổi vượt bậc thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở triển khai quyết quyệt, cộng với sự chung sức, đồng lòng của người dân nên hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều miền quê đã khoác lên mình chiếc áo mới. Đó là sự đổi thay về hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, thủy lợi nội đồng,… được đầu tư khang trang; đồng thời cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp khi người dân đẩy mạnh trồng hàng rào bằng cây xanh và trồng bông, hoa trước nhà với nhiều màu sắc rực rỡ.

Từ sự quan tâm đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập, sinh hoạt cộng đồng cho người dân, còn tạo ra bức tranh nông thôn bừng sáng cho các vùng quê. Cựu chiến binh Võ Minh Sánh (62 tuổi), ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, bộc bạch niềm vui: “Từ một xã được xem là vùng sâu, vùng xa và có nhiều cách trở về giao thông mà bây giờ xe 4 bánh có thể chạy vào tới nhà là cả niềm mơ ước lớn lao của bà con xứ này. Không chỉ có tuyến đường trước nhà mà hiện các tuyến đường từ huyện về xã, xã về ấp và nhiều tuyến đường liên ấp trên địa bàn Vĩnh Viễn A được đầu tư, mở rộng thông thoáng, tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn khang trang sạch đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và người dân nơi đây”.

Theo chia sẻ của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, trong triển khai xây dựng NTM, tỉnh luôn tập trung quyết liệt để thực hiện các tiêu chí bức xúc của người dân, nhất là nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của dân để vừa tạo khí thế phấn khởi, đồng thời vừa nuôi dưỡng sức dân. Từ đó mới khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và quyết định thành công chương trình xây dựng NTM. Điều phấn khởi là trải qua 2 giai đoạn xây dựng NTM (2011-2015 và 2016-2020), tỉnh Hậu Giang luôn đứng vào tốp đầu của vùng ĐBSCL về kết quả xây dựng NTM nên được Chính phủ tặng bằng khen.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết thêm: Sau gần 12 năm thực hiện xây dựng NTM, toàn tỉnh hiện có 40/51 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Kinh nghiệm mà tỉnh rút ra để xây dựng NTM hiệu quả, thành công và được tỉnh tiếp tục vận dụng trong thời gian tới là địa phương luôn thực hiện xuyên suốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cùng với khẩu hiệu “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”.

Cùng với kết quả xây dựng NTM, hiện toàn tỉnh có 251 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cũng hoàn thiện và gửi 10 bộ hồ sơ về Bộ NN&PTNT để dự thi sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Trung ương.

 

 Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>