Ngành nông nghiệp bứt phá ngoạn mục

08/01/2024 | 07:05 GMT+7

Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (3,83%), từ đó cho thấy lĩnh vực này đang có sự bứt phá ngoạn mục.

Nông dân làm lúa trúng mùa, bán được giá đã góp phần vào thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp trong năm qua.

Nỗ lực, quyết tâm

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm 2023 mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một sự cố gắng, quyết tâm lớn của cả ngành trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua.

Ngành nông nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản, nổi bật như: Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng thành công quy trình rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt gần 90%, lần đầu tiên bán được 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng; thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường; nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển; nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp gia tăng; nhiều trang trại, hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp; số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt là từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào (tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ...); phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về thị trường. Do vậy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản các tháng đầu năm 2023 có giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, nhưng các tháng cuối năm đã duy trì đà tăng trưởng cao và cả năm đạt trên 53 tỉ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đạt 12,06 tỉ USD, tăng 43,7% (một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng 69,2%, gạo tăng 38,4%).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2023, toàn ngành thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết “Tam nông” và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Vì vậy, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, đạt 3,83% (trong đó nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%); tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 78%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 53,01 tỉ USD.

Chỉ tính riêng sản lượng lúa năm qua đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 6,1 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha (tăng 1,7%); đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn.

Đặc biệt, Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 115.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất. Đồng thời, sử dụng giống chất lượng cao không chỉ trên lúa mà còn trên các đối tượng cây rau màu khác; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu địa phương. Nhờ đó, sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 47,9 triệu tấn, tăng 1,7%; giá trị 1ha đất trồng trọt năm 2023 ước đạt 120 triệu đồng, tăng 12,8% so với năm 2022. 

Riêng tỉnh Hậu Giang, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm qua là 177.839ha, đạt 102,2% kế hoạch năm; sản lượng ước đạt 1,185 triệu tấn, đạt 101,9% kế hoạch năm. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành và chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp nên kết quả các mặt công tác của ngành năm 2023 đạt khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực là cơ sở để tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I theo tính toán của Cục Thống kê năm đạt 3,12%. Công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được quán triệt và tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của ngành đến các địa phương. Nông nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh như lúa chất lượng cao, cây ăn trái, rau an toàn,... gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

Nhiều định hướng phát triển

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp cả nước sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đối với ngành nông nghiệp Hậu Giang, tới đây sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường, với Đề án “Phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030”. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường mạnh việc hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bộ NN&PTNT cũng đặt mục tiêu năm 2024 tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt từ 2,0-2,2%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt 125 triệu đồng; lương thực có hạt đạt 47,5 - 47,9 triệu tấn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bên cạnh xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt, sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, đặt sản xuất trồng trọt trong mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng hạn chế chất thải, biến chất thải của tiểu ngành này thành đầu vào chất lượng của tiểu ngành kia, qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao như lúa, rau, hoa, quả đặc sản… gắn với hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị; xây dựng mã số vùng trồng gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và phát triển thương hiệu. Nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh; thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn...

Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp cả nước đề ra trong năm nay là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỉ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>