Tiền đề phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

10/01/2024 | 10:10 GMT+7

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tăng cường đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giúp nông dân sản xuất theo hướng tăng giá trị, từng bước tiến tới các mô hình công nghệ cao trong sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được ngành nông nghiệp khuyến khích thực hiện để mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: T.TRÚC

Huyện Phụng Hiệp tuy là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, nhưng do trước đây người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn ở mức giới hạn nên hàng hóa nông sản của huyện chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, giá trị mang lại không cao. Để từng bước cải thiện thực trạng này, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phụng Hiệp đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để vừa cải thiện giá trị nông sản của huyện vừa gắn kết phát triển du lịch trong tương lai.

Huyện Phụng Hiệp vừa ra mắt mô hình sản xuất hoa kiểng gắn với du lịch sinh thái tại khu vực ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng. Mô hình thu hút 20 thành viên tham gia, ngoài việc sản xuất hoa phục vụ thị trường tết, các thành viên trong mô hình còn sản xuất các loại cây kiểng cung ứng cho thị trường quanh năm. Vừa cải thiện kinh tế gia đình vừa tạo vùng hoa kiểng để gắn kết với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để phát triển du lịch trong tương lai.

Gắn bó với nghề trồng hoa tết gần 5 năm, nhưng có lẽ vụ hoa tết năm nay làm ông Nguyễn Văn Nhỏ, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, phấn khởi và có thêm động lực để sản xuất. Bởi để sản xuất 20.000 giỏ hoa tết, mỗi năm ông Nhỏ phải đầu tư gần 70 triệu đồng, nhưng năm nay ngân sách đã hỗ trợ 50%. Ông Nhỏ cho biết: “Gia đình không có nhiều vốn để đầu tư nên hàng năm chỉ trồng khoảng 10.000 giỏ hoa các loại để phục vụ thị trường tết. Nhưng năm nay Nhà nước có chương trình hỗ trợ 50% chi phí sản xuất nên gia đình mở rộng quy mô trồng. Trồng nhiều tiêu thụ ổn định, phần thu nhập sẽ được cải thiện, từ đó có điều kiện đón tết sung túc hơn”.

Thực hiện Nghị quyết số 05 về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn từ 2021-2025, huyện Phụng Hiệp sẽ hỗ trợ cho nông dân khoảng 12 tỉ đồng để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Theo đó, trung bình mỗi năm huyện sẽ hỗ trợ 3-4 tỉ đồng để thực hiện các mô hình và chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất và chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.

Riêng năm 2023, huyện Phụng Hiệp sẽ huy động khoảng 8 tỉ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ gần 4 tỉ đồng, số còn lại do người dân tham gia mô hình đối ứng, để xây dựng 8 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao trên các loại cây trồng, vật nuôi như: cây lúa, sương sáo, trồng nấm rơm trong nhà kính, trồng cây ăn trái sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp hệ thống tưới phun sương, kinh tế tuần hoàn, nuôi động vật hoang dã.

Ông Cao Văn Chính, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vừa rồi, gia đình và một số hộ dân trong xã được tham gia mô hình nuôi chồn hương do huyện Phụng Hiệp phát động, khi tham gia bà con được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí con giống. Trước đây, bà con cũng rất muốn nuôi vì chồn hương là loài động vật hoang dã cho giá trị kinh tế rất cao nên giá con giống cũng rất cao, người dân đầu tư không nổi. Nhưng giờ được hỗ trợ 50% chi phí thì ai cũng muốn tham gia”.

Ông Phan Thành Lâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Các mô hình được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 05 thời gian qua với mục tiêu là từng bước hướng người dân đạt được việc sản xuất theo hướng tập trung. Từng bước hướng người dân thay đổi nhận thức trong quá trình sản xuất, hạn chế sử dụng các loại phân thuốc vô cơ,  thay thế bằng các loại phân thuốc hữu cơ hay áp dụng các quy trình sản xuất như: VietGAP, GlobalGAP để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Song song với việc xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, huyện cũng đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các doanh nghiệp tổ chức 175 cuộc tập huấn, tham quan, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu tại các xã, thị trấn với 6.125 lượt nông dân tham dự. Xây dựng và phối hợp trình diễn cách cải tạo đất ở các vùng chuyên canh cây ăn trái, quản lý dịch hại, ứng dụng công nghệ như tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái…

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Với hiệu quả bước đầu trong việc liên kết với Trường Đại học Cần Thơ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của trường để giúp huyện quy hoạch, phân vùng sản xuất. Từ đó để các địa phương bố trí các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh. Song song đó có điều kiện áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao để tạo ra nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu.

 Ngành nông nghiệp tỉnh xác định, tới đây đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường, với Đề án “Phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030”. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường mạnh việc hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích nông nghiệp hữu cơ.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, nâng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá trị hiện hành đạt 20% vào năm 2025. Tiếp tục nhân rộng các mô hình khuyến lâm, mô hình sản xuất lâm nghiệp đạt hiệu quả.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>