Vui xuân không quên đồng ruộng

07/02/2024 | 06:27 GMT+7

Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh thì vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình sinh vật gây hại sẽ xuất hiện nhiều trên các trà lúa Đông xuân, đồng thời nồng độ mặn ở mức cao sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân vui xuân nhưng không quên chuyện đồng ruộng.

Nông dân trong tỉnh sẽ tăng cường thăm đồng trong dịp tết để quản lý và phòng trừ các đối tượng sinh vật hại trên lúa Đông xuân được kịp thời, hiệu quả.

Để an tâm ăn tết, những ngày qua, ông Nguyễn Minh Quốc, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đã thuê người phun ngừa rầy nâu và một số loại dịch hại khác cho hơn 2ha lúa Đông xuân của gia đình đã trổ bông cong trái me. Ông Quốc bộc bạch: “Đây là vụ lúa chính trong năm, đồng thời giá lúa hiện cũng đang ở mức cao, khi vượt qua 8.000 đồng/kg. Do đó, từ đầu vụ xuống giống đến nay, tôi và bà con ở cánh đồng nơi đây luôn tích cực chăm sóc cây lúa. Đặc biệt, trong thời gian gần tết như hiện nay thì việc phòng, trừ sinh vật gây hại càng phải được quan tâm hơn vì sinh vật hại thường xuất hiện nhiều trên cây lúa do thời tiết lạnh và có nhiều sương mù vào sáng sớm”.

Cách ruộng của ông Quốc không xa, ông Trần Minh Hưởng, ở cùng ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Không chỉ lúc này mà vào thời điểm trong và sau tết, tôi sẽ thường xuyên đi thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ các đối tượng sinh vật hại xuất hiện trên cây lúa. Với tinh thần theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh là vui xuân không quên đồng ruộng để kỳ vọng vụ thu hoạch lúa Đông xuân sắp tới sẽ đạt năng suất cao, cho nguồn thu nhập hấp dẫn”.

Đến nay, vụ lúa Đông xuân 2023-2024, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 74.392ha. Trong đó, lúa ở giai đoạn mạ có 259ha, giai đoạn đẻ nhánh 24.435ha, giai đoạn làm đòng 36.951ha và giai đoạn trổ - chín 12.747ha. Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện sương mù dày đặt vào sáng sớm, cộng với nhiệt độ thấp, ẩm độ cao là điều kiện rất thuận lợi cho một số sinh vật phát triển và gây hại nặng trên cây lúa vào thời điểm trước, trong và sau tết.

Cụ thể, dự báo bệnh đạo ôn lá có khả năng phát triển mạnh trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, nhất là trên các giống lúa mẫn cảm như Đài Thơm 8, OM 18…; đồng thời bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có khả năng phát triển và gây hại trên ruộng lúa giai đoạn đòng - trổ, nhất là những ruộng gieo sạ dày, với các giống RVT, OM 5451,… và bón thừa phân đạm.

Ngoài ra, qua theo dõi tình hình rầy nâu vào đèn mới đây và kết quả điều tra đồng ruộng cho thấy, trên các cánh đồng lúa trong tỉnh có đợt rầy cám đang nở ở tuổi 3-5, với mật số phổ biến từ 500-1.000 con/m2, cục bộ ở một vài ruộng có từ 5.000-10.000 con/m2. Dự báo sẽ có một đợt rầy cám nở rộ từ ngày 12 đến 18-2 này (nhằm ngày mùng 3 đến mùng 9 tháng Giêng) trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, trổ. Khả năng mật số rầy nâu sẽ cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây do điều kiện thời tiết vụ Đông xuân năm nay rất thuận lợi cho rầy nâu phát triển.

Bên cạnh cây lúa thì một số đối tượng như sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rầy mềm, sâu đục thân, sâu đục cành, rệp sáp,… có khả năng tăng mật số và diện tích gây hại trên cây ăn trái; đồng thời sâu ăn tạp, rệp sáp, bọ trĩ, ruồi đục trái, bệnh thán thư, thối rễ, đốm lá,… tiếp tục phát triển và gây hại trên rau màu trong dịp tết.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trước tình hình dự báo về sinh vật hại trên cây trồng như trên, tới đây, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở sẽ tăng cường thăm đồng kết hợp với hướng dẫn cách phòng trị từng đối tượng sinh vật hại trên từng loại cây trồng được kịp thời, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về diễn biến sinh vật gây hại vào thời điểm trước, trong và sau tết để nông dân vui xuân, đón tết nhưng vẫn tích cực thăm đồng nhằm sớm phát hiện sâu bệnh và thực hiện các biện pháp kiểm soát kịp thời, hiệu quả.   

Bên cạnh công tác phòng ngừa sinh vật hại trên cây trồng thì vào thời điểm trước, trong và sau tết sắp tới, ngành chức năng tỉnh dự báo nước mặn với nồng độ cao có khả năng xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Do đó, việc chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ thành quả sản xuất cũng cần được các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh đến địa phương và người dân phải đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, theo dự báo của ngành chức năng tỉnh, từ ngày 9 đến 12-2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 tết), nước mặn theo thủy triều biển Đông dâng cao xâm nhập vào địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy, với độ mặn có thể đạt từ 1-2,2‰; còn từ thủy triều biển Tây qua sông Cái Lớn, nước mặn xâm nhập vào các sông, rạch khu vực huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, với nồng độ có thể đạt từ 0,5-3,5‰. 

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho hay: Đơn vị sẽ chỉ đạo các trạm thủy lợi ở địa phương trong tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến mặn xâm nhập, nhất là tổ chức quan trắc độ mặn tại các cửa sông chính của tỉnh, cũng như khai thác có hiệu quả số liệu quan trắc độ mặn từ các trạm đo tự động để thông tin nhanh trong trường hợp mặn xâm nhập bất thường; qua đây giúp ngành chức năng các địa phương và người dân trong tỉnh có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời, trong đó, trước mắt là vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>