Trang bị sách cho cơ sở - Chìa khóa nâng cao dân trí

04/01/2024 | 08:21 GMT+7

Qua 15 năm triển khai, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở và trình độ dân trí của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Thư viện thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, hiện có 2.670 đầu sách để phục vụ cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn.

Đưa sách về cơ sở đáp ứng yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới

Trước những yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm triển khai, Hội đồng Chỉ đạo Đề án đã tích cực thông tin, tuyên truyền và thực hiện các nội dung của đề án, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2009-2023, đề án đã cung cấp gần 600 đầu sách, bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio, với hơn 14,4 triệu bản in về cơ sở. Nội dung của sách là những kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về chủ quyền biên giới, hải đảo; sách cung cấp kiến thức, kỹ năng công tác Đảng, công tác mặt trận, đoàn thể; xây dựng nông thôn mới; phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu,…

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã đáp ứng nhu cầu thông tin, cập nhật kiến thức của người dân.

Hằng năm, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước được trang bị 7 bộ sách từ đề án và tiến hành quản lý, sử dụng hiệu quả lượng sách này. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, Hội đồng Chỉ đạo Đề án đã xuất bản thêm đầu sách CD Audio và xây dựng thành các chương trình truyền thanh cho đài truyền thanh ở cơ sở. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật còn số hóa trên 500 đầu sách để xây dựng Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn (thuviencoso.vn).

Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Mô hình thư viện Tủ sách cơ sở thuộc đề án đã cơ bản bám sát nhu cầu của cơ sở. Cung cấp cho cán bộ, đảng viên cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ về xử lý công việc hàng ngày. Phục vụ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết đại hội và các hội nghị Trung ương của Đảng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Phục vụ kịp thời người dân địa phương sách phổ biến pháp luật về quản lý đất đai, các dự án đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,…”.

Thích ứng trong thời buổi công nghệ

Theo khảo sát tại một số tỉnh, thành trên cả nước vào tháng 10 vừa qua cho thấy, có hơn 75% số cán bộ được hỏi đều đã tiếp cận với các thể loại sách thuộc đề án. Từ khi ra mắt vào đầu năm 2020 đến nay, Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn cũng đã có hơn 729.000 lượt cán bộ, đảng viên và người dân truy cập để đọc, tra cứu, học tập trực tiếp, miễn phí. Qua khảo sát, có đến 75,41% số người được hỏi cho rằng sách của đề án “đã cập nhật, bổ sung kiến thức nói chung”, 43,14% số người được hỏi cho rằng sách của đề án “giúp tìm hiểu, tra cứu các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phát triển sản xuất, kinh doanh”…

Tại Hậu Giang, tính đến năm 2022, tỉnh đã nhận được 720 đầu sách, với 1.658 đĩa CD Audio từ đề án. Hàng năm, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được cấp từ 30-50 đầu sách. Theo thống kê, các cơ sở có tổng số trên 16.000 đầu sách và hàng trăm đầu báo, tạp chí để phục vụ gần 34.000 lượt bạn đọc mỗi năm. Bên cạnh đó, tại Thư viện tỉnh còn có hơn 130.000 đầu sách các loại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc sách của người dân, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Hàng năm, Thư viện thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, được Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cung cấp khoảng 300 đầu sách. Bên cạnh đó, mỗi năm, thư viện còn được Nghị quyết HĐND thị trấn phân bổ kinh phí 5 triệu đồng để trang bị thêm 100 đầu sách. Đến nay, thư viện đã có 2.670 đầu sách các loại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc sách để cập nhật, nâng cao kiến thức của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Đủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Nàng Mau, cho biết: “Theo thống kê, hàng tháng, thư viện của thị trấn phục vụ khoảng 500 lượt cán bộ, đảng viên và người dân tại địa phương đến đọc và mượn sách. Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã giúp thư viện có nguồn sách đa dạng để phục vụ người dân. Giúp họ nghiên cứu khoa học kỹ thuật để áp dụng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế tại địa phương. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường trang bị thêm những sách này tại thư viện”.

Tuy nhiên, trong thời gian tới đề án cần tạo được sự đột phá trong việc đa dạng hóa các loại hình sách, cách tiếp cận sách như theo chỉ đạo của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: “Trên cơ sở những phương thức truyền tải thông tin truyền thống như sách, báo, cần có sự quan tâm, đẩy mạnh truyền thông, tạo điều kiện đọc sách trên không gian mạng thông qua internet và mạng xã hội. Điều này đã có trong Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đề án chuyển đổi số quốc gia. Đây là thực tiễn đặt ra, làm sao để mọi nơi, mọi lúc người dân có thể truy cập được những bộ sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các nhà xuất bản địa phương có liên quan”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>