Chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh

“Chìa khóa” thúc đẩy sự phát triển

18/05/2023 | 18:39 GMT+7

Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh được tổ chức vào chiều ngày 18-5, không chỉ giới thiệu những giải pháp, sản phẩm tối ưu, còn mang đến cơ hội khám phá các mô hình chuyển đổi số đã được triển khai thực tiễn.

Đại biểu cùng thảo luận xoay quanh các vấn đề chuyển đổi số.

Cùng chia sẻ kinh nghiệm

Bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Ngày 3/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025 định hướng 2030.  Ngày 2-12-2020, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu. Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang app). Qua đây, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền. Tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền.

Bà Võ Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, với nền tảng công nghệ số, khái niệm về chính quyền số, đô thị thông minh ngày càng phổ biến, tất cả hoạt động của cơ quan, các cấp đều ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp tương tác kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với nhau, nhà nước và doanh nghiệp… Hội thảo lần này là một trong những hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023. Chúng tôi mong muốn rằng, các đại biểu tham gia hội thảo nhiệt tình trao đổi, chia sẻ để tìm ra những giải pháp phù hợp thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi và xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản trị quốc gia. Là một trong những địa phương có nhiều kết quả nổi bật về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, chuyển đổi số

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: Để triển khai chuyển đổi số thành công, thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, giải pháp, tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt theo tôi để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả phải tập trung vào 4 chữ “L” là vai trò lãnh đạo, liên kết các sở, ngành; lực lượng (nguồn lực tài chính và nhân lực) và lâu dài.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Đề án Chuyển đổi số thành phố tập trung triển khai Chính quyền số đến các cơ quan Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, bổ sung các dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cung cấp trên địa bàn thành phố (hầu hết liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân).

Ưu tiên quan tâm cho chuyển đổi số

Hậu Giang đã và đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh.

Một trong 3 khâu đột phá chiến lược được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Người thực hiện cũng như vận hành một quốc gia số chính là các công dân số. Vì vậy, trước hết và điều kiện tạo nền tảng cho chuyển đổi số thành công là hình thành cộng đồng công dân số. Ông Đào Duy Sơn, Công ty Cổ phần công nghệ số thông minh SDT cho rằng: Nền tảng công dân số - My Porta là giải pháp cung cấp cho mỗi công dân một cổng thông tin tập trung, tích hợp sẵn các ứng dụng dịch vụ công của các cơ quan nhà nước để sử dụng. Tích hợp toàn bộ các dữ liệu cá nhân đã số hóa để phục vụ nhiều mục đích: giáo dục, y tế, việc làm, xây dựng, đất đai... đến cảnh báo thiên tại dịch bệnh. Thực hiện mọi loại hình dịch vụ giá trị gia tăng với ngân hàng, điện lực, hộ tịch, đất đai, đăng ký khám chữa bệnh...  My Portal có thể phục vụ lợi ích cho nhiều đối tượng như: người dân, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội… Vì vậy, nền tảng này khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần kết nối cung cầu giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp qua môi trường số một cách thuận tiện.

Xây dựng chính quyền số, hình thành đô thị thông minh là một trong những nội dung được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện trong quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

MỸ XUYÊN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>