Chuyển đổi số, Công nghiệp công nghệ số, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Định hình tương lai phát triển

19/05/2023 | 08:49 GMT+7

Đây là nhắn gửi của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023. Thực tế qua 2 lần tổ chức, Tuần lễ chuyển đổi số không chỉ mang thương hiệu Hậu Giang, mà đã trở thành sự kiện góp phần lan tỏa mạnh mẽ, khi kết hợp cùng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức về công nghệ nói chung, chuyển đổi số nói riêng ở tỉnh nhà, cũng như các tỉnh, thành trong khu vực.

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh và đại diện HCA thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023.

Quyết tâm từ Hậu Giang

Từng được biết đến là một địa phương còn nhiều khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) bởi ý thức người dân tham gia hoạt động này còn hạn chế, nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh còn thiếu và yếu. Tuy nhiên, Hậu Giang xác định công nghệ sẽ là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho tỉnh, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra “Đưa tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới”.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu. Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang app) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Tỉnh đã thành lập hơn 600 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 thành viên hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số. Tỉnh đã thành lập Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang, quy mô 28,5ha…

Qua đây, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền. Tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền. Nhờ đó, các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và CĐS của tỉnh cũng tăng đáng kể. 

Bên cạnh những kết quả tích cực từ công tác CĐS, tỉnh cũng quan tâm, tập trung cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá: Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Nghị quyết số 07 năm 2020 của HĐND tỉnh Quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 03 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang quy định tổ chức quản lý các nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hậu Giang. Qua 3 lần tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang cùng với phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, phụ nữ… đã cho thấy những nỗ lực của tỉnh với hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đại biểu tham quan Khu trải nghiệm và trưng bày mô hình, giải pháp Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công: Nhiều việc phải làm quyết liệt

Gắn với CĐS, thời gian qua các tỉnh, thành trong cả nước đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân  trong thực hiện CĐS. Song song đó, các địa phương xác định xây dựng chính quyền số là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tập trung thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử.

Tiến sĩ Trần Minh Tân, chuyên viên cao cấp Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông và Truyền thông cho rằng: Nước ta đang chuyển lộ trình từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Theo đó định hướng trong xây dựng chính quyền số là để chính quyền đến gần hơn với người dân. Để làm được vấn đề này, đòi hỏi người dân và chính quyền phải có sự tương tác, người dân phải tham gia đóng góp dữ liệu cho chính quyền, phản ánh mọi mặt tới chính quyền và cùng hưởng lợi mang lại từ dữ liệu. Để xây dựng Chính quyền số vấn đề đặt ra là phải có nền tảng dùng chung và việc hình thành các trung tâm dữ liệu. Đây là vấn đề khó đòi hỏi phải có sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ.

Cùng với CĐS, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều tiềm năng để phát triển. Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khi địa phương có tư duy mở, muốn xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở sẽ có những sáng kiến về mặt sách lược. Địa phương có thể trở thành người ra đề, dẫn đường và đặt các bài toán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là tạo ra những ứng dụng, sản phẩm phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới”.

Ông Phạm Hồng Quất gợi ý thêm: “Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung có môi trường thiên nhiên khá điển hình với đa dạng sinh học. Phát triển bền vững văn hóa, du lịch sinh thái, nông nghiệp, đặc sản vùng miền gắn với công nghệ, với CĐS sẽ tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo. Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, nhưng đây cũng là cơ hội để phát triển hoạt động CĐS, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường và năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời, tín chỉ các bon…”.

Những hiến kế, gợi mở trên đã góp phần giúp Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung có thêm ý tưởng để tiếp tục định hình, triển khai hoạt động CĐS và đổi mới sáng tạo, mang lại những kết quả khả quan hơn trong tương lai.

- Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023, có mặt của nhiều chuyên gia, diễn giả, đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của các tỉnh, thành phố, với sự tham dự của 25 tỉnh, thành phố; hàng trăm doanh nghiệp, hội, hiệp hội từ các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Tổng cộng hơn 1.300 đại biểu tham dự.

- Nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tại lễ khai mạc UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Cục Phát triển Thị trường khoa học công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), Trung tâm Sáng tạo Quốc gia (NIC), Công ty TNHH VietNam Innovation Hub và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng ký kết hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng; Vườn ươm Sông Hàn thành phố Đà Nẵng (SHI).

- Tại lễ khai mạc, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các công ty, doanh nghiệp trao bảng tượng trưng tặng 19.500 quyển tập cho học sinh 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, 210 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, 175 suất học bổng và đồ dùng học tập… tổng giá trị hỗ trợ hơn 500 triệu đồng.

 

- Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Khó khăn lớn nhất của CĐS là thay đổi thói quen. Nói về khó khăn của các tỉnh miền Tây trong CĐS, thì khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của CĐS là có nhận thức đúng. Để nhận thức về CĐS được nhân rộng. Sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Hậu Giang tổ chức là cách để nâng cao nhận thức về CĐS. Tôi hy vọng rằng đây sẽ tiếp tục là hoạt động thường niên để khu vực thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về CĐS. Bộ Thông tin và Truyền thông, cá nhân tôi sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng với các tỉnh miền Tây trong hành trình CĐS, thúc đẩy công nghiệp công nghệ số thời gian tới.

- Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung: Thông qua Tuần lễ năm nay, HCA kỳ vọng hoạt động này không chỉ góp phần thúc đẩy tỉnh Hậu Giang mà còn là tiền đề phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là năm thứ 2 của chương trình 3 năm liên tiếp mà HCA cam kết cùng tỉnh Hậu Giang đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn về ngành công nghệ thông tin và CĐS cho khu vực ĐBSCL trong đó lấy Hậu Giang làm điểm đến.

 

Nhóm PV VHXH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>