Chuyển đổi số và cơ hội cho ngành Y tế

18/05/2023 | 18:57 GMT+7

Trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số (CĐS) và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023, Sở Y tế tỉnh phối hợp cùng Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) tổ chức Hội thảo Giải pháp CĐS nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Hội thảo không chỉ giới thiệu những giải pháp, sản phẩm tối ưu mà còn mang đến các mô hình CĐS đã được triển khai thực tiễn giúp các cơ sở y tế trong vùng tham khảo triển khai.

“Bệnh án điện tử” - Chìa khoá quản lý thông tin khám, chữa bệnh, không còn bị chê... "chữ xấu như chữ bác sĩ"

Đại biểu đặt vấn đề thảo luận tại Hội thảo.

Đây là khẳng định của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tấn Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, sau thành công của bệnh viện khi triển khai Bệnh án điện tử từ 2017 đến nay. Ông Huy cho biết: Hiện nay, bệnh viện không còn ghi hồ sơ giấy. Nhiều kết quả phấn khởi khi thực hiện bệnh án điện tử, như: giúp cải tiến quản lý hồ sơ bệnh án gọn gàng, sạch sẽ, bảo mật. Đảm bảo việc ghi chép nhanh chóng, chính xác, đầy đủ theo quy định. Hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả. Bác sĩ có thể kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khi ở ngoài bệnh viện, hỗ trợ công tác hội chẩn từ xa, không còn tình trạng chữ viết khó đọc, tránh nhầm lẫn,… Lãnh đạo bệnh viện quản lý được tất cả hoạt động của bệnh viện, chỉ đạo từ xa thông qua phần mềm bệnh án điện tử. Giúp bệnh viện rút ngắn thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh. Bệnh nhân cũng có nhiều lợi ích, không còn ùn ứ tại nơi tiếp nhận bệnh, giảm thời gian chờ đợi khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh.

Các diễn giả giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm đối với những vấn đề đại biểu dự Hội thảo đặt ra.

Song quá trình xây dựng Bệnh án điện tử cần lường trước và giải quyết các khó khăn. Qua kinh nghiệm triển khai tại bệnh viện, ông Huy cho biết thêm: “Để thành công xây dựng Bệnh án điện tử, bệnh viện cần xây dựng quy trình cụ thể, rõ ràng theo từng giai đoạn phát triển công nghệ thông tin và xây dựng quy trình vận hành hệ thống. Cần có sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện, phải xác định việc triển khai Bệnh án điện tử là hướng đi đúng và kiên định. Tham quan, học hỏi các mô hình từ các vùng, miền, các hội thảo y tế thông minh. Phải chọn được phần mềm triển khai có hiệu quả và đi đến đích”.

Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang là đơn vị được Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, ghi nhận là “đơn vị tiên phong về CĐS y tế” vào năm 2020, từ kinh nghiệm của bệnh viện đã gợi mở cho tất cả các cơ sở y tế dự Hội thảo về kế hoạch CĐS của mình.

Nhận diện rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức

Theo thông tin từ Hội thảo, hiện trạng các bệnh viện triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức 1 còn cao chiếm trên 40%, đạt mức 2 chiếm  32,2%, đạt mức 3 chiếm 21,4%, đạt mức 4 chiếm 4,8%, đạt mức 5 chiếm 1,1%, đạt mức 6 (Bệnh viện thông minh) chiếm chỉ 0,1% kết quả này là rất khiêm tốn.

Thực tế, còn nhiều vấn đề khó khăn trong CĐS ngành y tế. Ông Nguyễn Văn Nhân, chuyên gia CĐS, Công ty Cổ phần đầu tư Kỹ thuật số Việt (VDI), chia sẻ. “Khó khăn về kết nối và chia sẻ dữ liệu cả trong nội bộ bệnh viện, giữa các bệnh viện với nhau và với hệ thống y tế cả nước. Các hệ thống thông tin ở bệnh viện vẫn còn phâ̂n tán, tách rời và chưa tích hợp. Có chưa đến 50 bệnh viện trên tổng số hơn 12.000 cơ sở y tế công lập trên toàn quốc có Bệnh án điện tử. Các bệnh viện, hệ thống công nghệ thông tin y tế vẫn chưa thể chia sẻ dữ liệu với nhau. Còn nhiều khoảng trng trong việc xây dựng các mô hình, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa các cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế) để toàn bộ nguồn dữ liệu từ các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trạm y tế, nhà thuốc, các cơ sở y tế tư nhân... có thể được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn”.

Tình trạng này cũng đang gặp phải ở ngành y tế tỉnh Hậu Giang. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ngành Y tế cũng gặp khó khi xây dựng kho dữ liệu dùng chung, do các cơ sở y tế hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm khác nhau. Đây là vấn đề ngành sẽ phải khắc phục để thực hiện CĐS trong thời gian tới. Trong thời gian tới Sở sẽ chủ động kết nối với các tổ chức, các doanh nghiệp nghiên cứu, lựa chọn triển khai những giải pháp CĐS y tế phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của tỉnh".

Qua nhìn nhận những khó khăn, thách thức, rào cản thúc đẩy chuyển đổi số các đại biểu đã chia sẽ giải pháp khắc phục và đề xuất các giải pháp công nghệ số tại Hội thảo, như: Giải pháp kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây VED; Giải pháp kho hồ sơ sức khỏe người dân; Xây dựng Cổng thông tin hồ sơ sức khoẻ theo chuẩn HL7/FHIR; Chuyển đổi số Y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân; Giải pháp máy tính ASUS chuyên biệt dành cho y tế tại Việt Nam.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: “Bộ Y tế vừa phê duyệt “Kế hoạch triển khai nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử năm 2023”. Quyết định này khẳng định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chuẩn hóa dữ liệu theo tiêu chuẩn HL7/FHIR. Chúng ta đã có công nghệ đầy đủ, cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi trong CĐS y tế phục vụ tốt trong quản lý y tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân”.

Đẩy mạnh CĐS, hình thành “Người Thầy thuốc số” luôn là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.

Bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, khẳng định: “Trong 8 lĩnh vực được ưu tiên CĐS của chương trình chuyển đổi số quốc gia thì y tế  là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu bởi nó tác động trực tiếp đến người dân, độ bao phủ rộng khắp. Tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý; tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số; tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, thầy thuốc với bệnh nhân, hình thành “người Thầy thuốc số”.

 Hội thảo CĐS y tế thật sự là diễn đàn trao đổi, chia sẻ ý kiến để có sự thống nhất chung về nhận thức và cách làm CĐS, nhận diện rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thành công chuyển CĐS trong thời gian tới.

HỒNG DIỄM ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>