Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cần làm gì?

18/05/2023 | 18:29 GMT+7

Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) – Mekong Delta 2023, Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST đã cho thấy bức tranh tổng quan về hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Trong bức tranh ấy, Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung cần làm gì để khẳng định màu sắc, vị trí riêng của mình, tạo ra những giá trị nổi bật hơn nữa?

Diễn giả thảo luận tại Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST.

Hướng đi tất yếu của nền kinh tế

Thống kê cho thấy, hiện nay, tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 1955, tuổi thọ trung bình của một doanh nghiệp là 62 năm, thì đến năm 2005, con số này chỉ còn 15 năm. Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Trường Sơn, Giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết: “So với giai đoạn trước, môi trường kinh doanh của chúng ta đang dần thay đổi. Đây là thời kỳ của sự thay đổi theo hướng sáng tạo, ứng dụng công nghệ, là thời kỳ của sự cạnh tranh không giới hạn, là thời kỳ của khách hàng. Khách hàng là người quyết định giá cả, chất lượng, thiết kế của sản phẩm”.

Trước thực trạng đó, không ít doanh nghiệp đang rơi vào khó khăn, tụt hậu. Để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo về nhiều phương diện. Theo ông Nguyễn Trường Sơn: “Các doanh nghiệp có tuổi thọ lâu dài đều có đặc điểm chung là: tập trung vào khách hàng, không ngừng ĐMST, chiến lược kinh doanh và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.  Để rút ngắn quá trình đổi mới, các doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình ĐMST mở, dùng nguồn lực, ý tưởng sáng tạo từ bên ngoài để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình”. Bằng cách đó, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình ĐMST, duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, mong muốn: “Thông qua hội thảo này, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, những bạn trẻ tài năng, nhiệt huyết sẽ gặp gỡ, kết nối chia sẻ kinh nghiệm về hình thành ý tưởng, xây dựng mô hình khởi nghiệp ĐMST. Làm rõ những nội dung trọng tâm về cơ hội và thách thức của khởi nghiệp ĐMST. Đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp định hướng phát triển. Góp phần tạo điều kiện thúc đẩy tổ chức, cá nhân thực hiện thành công mô hình khởi nghiệp ĐMST trong thời gian tới”.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát biểu tại hội thảo.

Bức tranh đổi mới sáng tạo Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực

Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế trên thế giới về Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII). Tuy có bước thụt lùi so với năm 2020, 2021, nhưng nhìn chung, thứ hạng của nước ta đã có sự tăng trưởng tích cực kể từ lần đầu tiên được đánh giá vào năm 2007. Chỉ số ĐMST phản ánh năng lực ĐMST của mỗi quốc gia và có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Những quốc gia có chỉ số ĐMST cao thường có nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người cao. Trong đó, Việt Nam nổi bật lên là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập thấp, nhưng đạt chỉ số sáng tạo tương đối cao, cho thấy tiềm năng tăng trưởng khá lớn.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và đứng thứ tư về tổng giá trị đầu tư. Năm 2022, các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ta đã thu hút được 634 triệu USD vốn đầu tư. Với việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” và các chương trình, nghị quyết khác, phong trào khởi nghiệp ĐMST đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nước ta đã hình thành được các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, để kết nối các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Mạng lưới các hội tri thức, mạng lưới truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST được triển khai ngày càng rộng khắp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hình thành sáng kiến, mở đầu quá trình khởi nghiệp ĐMST.

Để ĐBSCL cất cánh đổi mới sáng tạo

Theo ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, để liên kết thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn truyền cảm hứng, giai đoạn định hình phát triển và giai đoạn hội tụ nguồn lực nền tảng. Hậu Giang hiện nay đang ở giai đoạn truyền cảm hứng, với việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn ĐMST, tổ chức các hoạt động cộng đồng, các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về khởi nghiệp ĐMST,…

Ông Lý Đình Quân chia sẻ: “Trong giai đoạn này, tỉnh cần tạo được chuẩn tư duy, hệ thống trí tuệ, kết hợp với các phương tiện truyền thông để truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ĐMST. Tầm nhìn, sự quan tâm của lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong triển khai hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Nên đưa những người có năng lực, trách nhiệm đi đào tạo, tham quan, học tập kinh nghiệm về khởi nghiệp ĐMST. Cần có tổ chức điều phối chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng để có định hướng, tối ưu hóa nguồn lực khi triển khai. Xây dựng mạng lưới kết nối nguồn lực chuyên sâu về chính sách, huấn luyện viên, nhà đầu tư, trung tâm hỗ trợ, ươm tạo,…”

Còn ông Từ Minh Hiệu, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Qua các tham quan các gian hàng tại Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp ĐMST – Mekong Delta 2023, chúng tôi nhận thấy Hậu Giang và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đang rất tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của từng địa phương, nhưng chưa có nhiều hoạt động ĐMST về sản phẩm, về cách thức triển khai hoạt động kinh doanh. Do đó, tỉnh nên ngồi lại và đưa ra các sáng kiến để tạo sân chơi cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST”.

Những ý kiến tại Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST là cơ sở quan trọng để tỉnh triển khai hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Dù chỉ mới bắt đầu và quá trình thực hiện còn dài, nhưng với quyết tâm của tỉnh, có thể kỳ vọng vào sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong giai đoạn tới.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>