Cẩn thận với bệnh thalassemia

08/05/2023 | 08:09 GMT+7

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (8-5), Hậu Giang đang có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng ngừa, điều trị sớm căn bệnh di truyền này.

Vãng gia, tuyên truyền về bệnh thalassemia kết hợp với các nội dung khác sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Căn bệnh này được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu từ năm 1960. Bệnh có nhiều mức độ lâm sàng khác nhau. Ở mức độ rất nặng, thai nhi sẽ bị phù và thường tử vong trước hoặc ngay khi sinh. Với mức độ nặng và trung bình, bệnh nhân có các biểu hiện như: thiếu máu, lách to, gan to, chậm phát triển thể chất, biến dạng xương, rối loạn nội tiết,... Ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ bị thiếu máu nhẹ. Còn người mang gen bệnh thì không có biểu hiện lâm sàng, có thể không thiếu máu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh huyết sắc tố gây ảnh hưởng tới 71% số nước trên thế giới. Hai người khỏe mạnh bình thường có thể cùng mang gen bệnh và sinh con ra có nguy cơ mắc bệnh thể nặng. Hiện khoảng 7% phụ nữ có thai mang gen bệnh và 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị mang gen bệnh. Trung bình mỗi năm, có 60.000-70.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh thalassemia mức độ nặng. Đây là căn bệnh di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới, tập trung nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Thống kê cho thấy, nước ta hiện có hơn 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng, cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia. Trong đó, có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Để duy trì cuộc sống cho bệnh nhân, có hai biện pháp chính là truyền máu và thải sắt, kết hợp với chăm sóc toàn diện để phòng ngừa các biến chứng. Chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân thể nặng khá lớn, có thể lên đến hàng tỉ đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế gia đình và tạo áp lực cho toàn xã hội.

Do đó, việc phòng bệnh thalassemia là điều rất cần thiết và có thể thực hiện được trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gen bệnh. Nếu mang gen bệnh, cần được tư vấn, quản lý nguồn gen để tránh sinh con ra bị bệnh thể nặng. Với các cặp đôi cùng mang gen bệnh đã kết hôn, cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp phù hợp. Cần sàng lọc trước sinh trong những tháng đầu mang thai nhằm phát hiện gen bệnh. Tư vấn, đình chỉ nếu phát hiện thai nhi bị bệnh mức độ nặng.

Từ khi mang thai, chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, luôn quan tâm, tìm hiểu về việc phòng ngừa các bệnh di truyền cho thai nhi, trong đó có bệnh thalassemia. Nhận thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, chị chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho con. Chị Xuyên chia sẻ: “Khi sinh con, ai cũng muốn con mình khỏe mạnh, không phải chịu bệnh tật gì, nhất là các bệnh di truyền từ cha mẹ. Lúc mang thai cũng như sau sinh, tôi đều sàng lọc cho con theo hướng dẫn của bác sĩ. Tôi rất yên tâm khi con khỏe mạnh, bình thường”.

Để tăng cường tuyên truyền, cung cấp kiến thức về sự nguy hiểm của bệnh thalassemia, mới đây, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (8-5) năm 2023. Qua đó, tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp, các cơ sở y tế và người dân trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề “Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai nòi giống”, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về bệnh này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Dân số - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông, đưa những thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh này đến với người dân. Cấp phát các tờ rơi, tờ bướm, đưa các tin bài và lồng ghép tuyên truyền về bệnh thalassemia trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề của ngành dân số. Đẩy mạnh tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho các đối tượng để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp xử lý phù hợp”.

Việc quan tâm, phòng ngừa bệnh thalassemia sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, giúp Hậu Giang tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 21 ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>