Cần duy trì những bến đò ngang an toàn

09/07/2024 | 07:48 GMT+7

Hiện toàn tỉnh có trên 300 bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, mỗi ngày vận chuyển hàng ngàn lượt khách, hàng trăm tấn hàng. Đã bước vào mùa mưa, việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) ở đây hết sức cần thiết.

Vào mùa mưa bão, các bến đò ngang cần đảm bảo an toàn khi đưa rước khách.

“An toàn hành khách là trên hết” - phương châm mà ông Lê Văn Lạc, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đề ra trong gần 20 năm qua, từ khi mở bến khách ngang kênh xáng Xà No.

Theo đó, ngoài bến đò của ông đáp ứng đủ yêu cầu về bằng, chứng chỉ chuyên môn người điều khiển phương tiện; kiểm tra, trang bị áo phao, đèn, còi theo quy định; không chở quá số lượng phương tiện, người đã đăng ký.

Ông Lạc còn tạm dừng việc đưa khách ngang sông khi mưa to, gió lớn; thường xuyên nhắc nhở hành khách không được ra mỏ đò trong quá trình vận chuyển. Mấy ngày qua mưa nhiều nên ông Lạc còn kiểm tra bến bãi nhằm phát hiện chỗ nào xuống cấp để gia cố.

“Bến đò không an toàn không chỉ mất khách mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Tính mạng con người là trên hết nên tôi thường xuyên kiểm tra bến bãi, phương tiện”, ông Lạc cho biết.

Còn bến đò của bà Nguyễn Thị Lê, ở ấp 1, xã Vị Tân, cũng đề cao sự an toàn mỗi khi đưa khách ngang sông thời gian qua.

Hàng ngày bến đò này đưa rước hàng trăm lượt khách, nhưng không chuyến nào bà chở quá số lượng quy định; trong quá trình đưa rước khách luôn giữ tốc độ vừa phải; khi tới bến thấy an toàn mới cho khách lên xuống đò.

Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, khi thấy có tàu, xà lan nào chạy gần mà thấy không an toàn, bà đều nhường. “Vận chuyển chậm mà an toàn thì tôi ưu tiên. Mùa mưa bão đến rồi, vấn đề an toàn sẽ được tôi duy trì mỗi khi đưa khách ngang sông, không vì lợi nhuận mà tôi vi phạm quy định, thà chở ít mà an toàn”, bà Lê cho biết.

Ngoài những bến đò an toàn như trên, thì trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều bến đò tiềm ẩn mất an toàn, với việc đò dài khoảng 3m, ngang khoảng 1,5m, trong đó có tuyến kênh Nàng Mau, huyện Vị Thủy, hay kênh Lái Hiếu thuộc huyện Phụng Hiệp.

Theo Ban ATGT tỉnh, nhằm đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, nhất là tại các bến đò ngang, ngay đầu năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đến tập thể, cá nhân người điều khiển phương tiện quy định về an toàn kỹ thuật và hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa.

“Chúng tôi đã phối hợp cấp phát hàng ngàn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; tổ chức cho ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đối với các chủ phương tiện, bến phà, bến khách ngang sông”, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết.

Đồng thời, các đơn vị, địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT đối với các bến khách ngang. Trong đó, kiểm tra giấy phép hoạt động của bến khách ngang sông; phương tiện và quản lý phương tiện; thuyền viên, người lái phương tiện; trang thiết bị đảm bảo an toàn; kê khai, niêm yết giá cước; kiểm tra các công trình phụ trợ khác gần khu vực bến có ảnh hưởng đến ATGT thủy nội địa...

“Qua kiểm tra, hầu hết các bến khách ngang sông đều chấp hành khá tốt các quy định, tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi lơ là trong quản lý mà sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của chủ bến, chủ phương tiện, hành khách, đặc biệt những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định; để người không có bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện; chở quá số người quy định; hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi có giông, bão, lũ”, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết thêm.

NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>