Cao điểm giải tỏa, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường

12/06/2023 | 18:21 GMT+7

Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thậm chí lấn chiếm ngay cả trên cầu để kinh doanh mua bán không còn quá xa lạ đối với người dân. Cản trở, ùn tắc giao thông là một chuyện nhưng sâu xa hơn đó là sự liều lĩnh, đánh đổi tính mạng của người bán, người mua và lẫn người đi đường. Thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp nhằm lập lại trật tự vỉa hè, trật tự mua bán. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Thành (ảnh), Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh.

Đoàn liên ngành Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh vừa có kế hoạch tổ chức giải tỏa, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, phần đất dành cho đường bộ; phát quang cây xanh trên tuyến Quốc lộ 61 đi qua địa bàn tỉnh. Cụ thể như thế nào thưa ông ?

- Trong tháng 6 này, Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch liên ngành phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ IV.5, Sở Giao thông Vận tải, Ban ATGT huyện Long Mỹ, Ban ATGT huyện Phụng Hiệp để giải tỏa, xử lý vấn đề mua bán lấn chiếm lòng lề đường trên tuyến Quốc lộ 61 kết hợp với phát quang cây xanh trên tuyến này, đoạn từ cầu Ba Láng đến cầu Gốc Mít của địa bàn giáp ranh giữa thị xã Long Mỹ và huyện Vị Thủy. Thời gian dự kiến bắt đầu ra quân từ ngày 5 đến 30-6.

Từ ngày 5 đến 8-6, các địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền để cho người dân biết được đoàn liên ngành sẽ tổ chức ra quân để người dân có ý thức tự di dời những công trình, mua bán, lấn chiếm, tự giác sắp xếp cho phù hợp. Ngoài ra, đoàn sẽ tổ chức đốn, mé cây xanh che khuất tầm nhìn. Người dân có trồng cây kiểng thì tự di dời, còn lại những loại cây tạp thì đoàn sẽ tổ chức phát quang, cắt tỉa. Đồng thời, Ban ATGT tỉnh cũng phối hợp với một số sở, ngành liên quan tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Trong thời gian qua, Ban ATGT đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở lớp tuyên truyền cho những cán bộ cấp cơ sở, Hội Cựu chiến binh và sắp tới sẽ tổ chức những lớp tiếp theo. Mục đích là nhằm góp phần phòng tránh, kéo giảm tai nạn giao thông từ đây đến cuối năm.

Qua những đợt ra quân như vậy, ông mong muốn điều gì ?

- Mong muốn của chúng tôi, thứ nhất là làm sao để có sức chuyển biến về nhận thức của người dân. Cụ thể về góc độ người dân lấn chiếm lòng, lề đường thì người dân làm sao ý thức được rằng mình mua bán, lấn chiếm lòng lề đường sẽ không đảm bảo được mỹ quan và mất trật tự, an toàn giao thông.

Bây giờ mua bán, lấn chiếm lòng lề đường như thế có những tai nạn mình không thể lường trước được. Ngoài vấn đề trật tự an toàn giao thông thì còn ảnh hưởng môi trường, mỹ quan đô thị. Qua đợt giải tỏa này làm sao để người dân tự giác chấp hành, thực hiện không lấn chiếm phần đất dành cho đường bộ.

Thứ hai, là thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các cấp hội, cụ thể là cho người dân, làm sao qua những buổi nói chuyện, những lớp tập huấn, chúng tôi giới thiệu những mô hình hay, những hậu quả tai nạn giao thông rồi giải đáp cho người dân hiểu và chia sẻ. Từ đó, người dân biết giữ mình khi tham gia giao thông. Đồng thời, giáo dục mọi người xung quanh, đặc biệt là người trong gia đình mình tham gia giao thông an toàn. Nhất là giáo dục trong lứa tuổi thanh niên, nói chung là nam giới đã uống rượu bia thì không lái xe, bởi vì những người đã uống rượu bia lái xe thì nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao.

Cụ thể, UBND tỉnh có Chỉ thị số 05 nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức đã uống rượu bia thì không lái xe và Chính phủ có Chỉ thị số 10 cũng nghiêm cấm vấn đề này. Tôi nghĩ làm sao qua những buổi tuyên truyền, vận động sẽ chuyển biến được nhận thức của người dân để người dân tự giác chấp hành, còn xử phạt thì vấn đề này thật ra là ngoài ý muốn. Bất khả dĩ thì lực lượng chức năng mới xử phạt, quan trọng làm sao tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân tự giác chấp hành.

Có thể thấy, với mỗi đợt ra quân tuyên truyền như vậy, cùng với nhiều giải pháp đã giúp nâng cao ý thức người dân. Dễ thấy nhất là cầu Cái Tắc thời gian qua là điểm nóng của việc buôn bán, lấn chiếm. Tuy nhiên, gần đây, sau khi lắp camera, làm hàng rào thì đã giảm buôn bán lấn chiếm rất đáng kể. Đây có phải là giải pháp để triển khai nhân rộng trong thời gian tới ở những điểm nóng về buôn bán, lấn chiếm, thưa ông ?

- Tôi nghĩ trong thời gian qua, tại khu vực chợ Cái Tắc, đặc biệt là cầu Cái Tắc, mình đã lắp camera trên cầu và hàng rào hai bên đường dẫn qua cầu, hạn chế người dân mua bán. Tôi cho rằng đây là giải pháp trước mắt và tạm thời, tại vì khó khăn quá, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao buộc lực lượng chức năng, địa phương phải làm chuyện này. Còn giải pháp hữu hiệu mà mang tính bền vững là phải làm sao tuyên truyền cho người dân hiểu để tự giác chấp hành, đó mới là cái quan trọng. Về phía chính quyền địa phương phải tạo vị trí phù hợp để người dân có nơi mua bán. Theo tôi, căn cơ và lâu dài thì phải làm sao người dân tự giác chấp hành, đó là điều trân quý.

Xin cảm ơn ông !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>