Ấn Độ áp đặt thuế 20% với gạo đồ xuất khẩu

28/08/2023 | 07:27 GMT+7

Việc Ấn Độ áp đặt thêm nhiều hạn chế lên hoạt động xuất khẩu gạo có khả năng khiến nguồn cung toàn cầu bị siết chặt hơn nữa.

Thuế mới đối với gạo đồ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 16-10-2023. Ảnh: Reuters

Chính phủ Ấn Độ đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ và có hiệu lực ngay lập tức, theo thông báo của Bộ Tài chính nước này hôm 25-8.

Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, với khoảng 7,4 triệu tấn vào năm 2022. Một đại lý tại TP.Mumbai cho rằng với mức thuế mới, gạo đồ Ấn Độ sẽ đắt đỏ như gạo đồ của Thái Lan và Pakistan.

Việc áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới.

Tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, vì biện pháp này sẽ tác động đến lạm phát toàn cầu và làm gia tăng tình trạng bấp bênh về giá lương thực trên thế giới.

Hiện giá gạo thế giới đã tăng khoảng 20%, lên mức cao nhất 15 năm qua (kể từ năm 2008). Và nhiều người tin rằng việc áp thuế này càng làm cho cơn sốt giá cao trên toàn cầu càng trở nên gay gắt.

Theo hãng tin Bloomberg, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm đến 40% thương mại gạo toàn cầu. Tháng trước, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, chiếm khoảng 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.

Động thái của Ấn Độ khiến giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm qua vào đầu tháng này và có thể tăng cao hơn nữa, góp phần làm tăng chi phí đối với các nhà nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia châu Phi.

Gạo là lương thực chính của khoảng 1/2 dân số thế giới. Các biện pháp hạn chế của Ấn Độ được ban bố vào thời điểm giá lương thực vẫn ở mức cao do cuộc xung đột tại Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu đe dọa nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu.

Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng có kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để kiểm soát giá nội địa đang tăng cao. Một thành viên cấp cao của Liên đoàn Gạo Myanmar nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày kể từ cuối tháng này”.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 trên thế giới, bán hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Một đại lý có trụ sở tại Mumbai - Ấn Độ nhận định động thái của Myanmar sẽ phát tín hiệu tăng giá đến thị trường và khiến các bên mua thêm lo ngại.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan có giá xuất khẩu tăng lên đến 630 USD/tấn, sau khi tăng từ mức 615 USD/tấn lên 620 USD/tấn vào tuần trước.

Các nhà nhập khẩu gạo toàn cầu, trong đó có Philippines và Indonesia, đang gấp rút tăng cường mua gạo trong bối cảnh thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino dự kiến làm giảm sản lượng gạo hơn nữa trong thời gian tới.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>