Dỡ bỏ giãn cách quá sớm: “Lợi bất cập hại”

13/05/2020 | 07:58 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang dỡ bỏ giãn cách xã hội trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng.

Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới Bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 5-4-2020. Ảnh: AFP

Sau gần 2 tháng bị hạn chế đi lại, ngày 11-5 Pháp đã dỡ bỏ phong tỏa chống dịch Covid-19 với nhiều lúng túng khi đông đảo người dân đổ ra đường vui chơi, giải trí. Tại thủ đô Paris, giới trẻ tập trung về khu vực kênh đào Saint-Martin, một trong những địa điểm có phong cảnh đẹp, để gặp gỡ, trò chuyện và sử dụng rượu bia. Từng nhóm đông ngồi sát nhau, không mang khẩu trang, thậm chí sử dụng chung cốc và đồ uống. Các quy định về giãn cách và các biện pháp phòng ngừa hầu như không được thực hiện.

Trong khi đó, giao thông đường bộ đã trở lại đông đúc sau khi dỡ bỏ phong tỏa. Đường phố đông xe cộ hơn, nhiều điểm ùn tắc đã xuất hiện trở lại gần giống như ngày thường, nhất là vào giờ cao điểm. Tại thủ đô Paris, mặc dù vẫn bắt buộc mang khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhưng rất nhiều người dân không tuân thủ.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng báo động là chỉ trong ngày đầu dỡ bỏ phong tỏa, số cas tử vong do Covid-19 tại Pháp tăng cao trở lại. Trong ngày 11-5, số tử vong vì Covid-19 hơn 263 cas. Hiện Pháp còn gần 22.300 người nhiễm SARS-CoV-2 đang nhập viện, trong đó hơn 2.700 cas bệnh nặng, cần hồi sức, cấp cứu.

Trước tình trạng trên, lực lượng cảnh sát Pháp đã phải có mặt để giải tán các đám đông thiếu ý thức.

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới như Bỉ, Tây Ban Nha, Italia, Australia, Nhật Bản, Singapore… đã chấp nhận dỡ bỏ phong tỏa trong tình trạng dịch Covid-19 vẫn còn lây lan ra diện rộng.

Động thái dỡ bỏ giãn cách xã hội sớm của nhiều quốc gia để nhằm cứu vãn kinh tế và cuộc sống thường nhật của người dân sẽ dẫn đến nguy cơ “lợi bất cập hại”. Bởi lẽ, dịch Covid-19 rất nguy hiểm và để lại tổn thất khó lường, nhất là tính mạng con người. Theo số liệu chưa đầy đủ tính đến ngày 12-5, thế giới có hơn 4,250 triệu người nhiễm bệnh, gần 300.000 người tử vong. Con số này đã và đang tăng dần theo thời gian.

Theo nghiên cứu của giới khoa học mới đây cho thấy các nước cần duy trì phong tỏa ít nhất 12 tuần để giữ mạng sống cho người dân chứ chưa thể nói khống chế hoàn toàn dịch bệnh.

Còn nhớ, trong đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918, do việc đóng cửa, giãn cách xã hội không duy trì thời gian đủ dài nên đã làm 1/3 dân số thế giới nhiễm bệnh và hơn 50 triệu người tử vong. Đây là bài học đối với cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.

Trong nghiên cứu mới được công bố, chuyên gia kinh tế Robert Barro thuộc Đại học Harvard cho rằng việc đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, cách ly và giãn cách ở nhiều thành phố tại Mỹ đã không giảm được nhiều số cas tử vong, do tính trung bình “những biện pháp này có thời hạn hiệu lực chỉ 1 tháng”. Do vậy, “Các hình thức can thiệp phi y tế được áp dụng cần phải có hiệu lực không chỉ trong vài tuần. Về cơ bản, 12 tuần sẽ hiệu quả hơn 4-6 tuần”, ông Barro nêu quan điểm trong công trình nghiên cứu được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) đăng.

Thực tế, tính toán của ông Barro không đề cập đến thiệt hại kinh tế từ việc kéo dài thời hạn đóng cửa. Nhưng trả lời qua thư điện tử, ông cho biết suy giảm GDP đều cần phải đặt trong đối trọng với lợi ích kinh tế từ việc bảo đảm mạng sống cho con người. Ông Barro sử dụng dữ liệu coi mạng sống một cá nhân có giá 10 triệu USD, dựa trên tính toán về số thu nhập một người sẽ có thêm nếu không thiệt mạng. Ở biến số 12 tuần, ông thấy rằng lợi ích của đóng cửa vượt trội hơn tổn thất kinh tế.

Một ví dụ điển hình khác là Trung Quốc, nơi khởi nguồn dịch Covid-19 đã tuyên bố khống chế được dịch và cho phép dỡ bỏ giãn cách xã hội. Tuy nhiên, mới đây tỉnh Cát Lâm của nước này đã nâng mức cảnh báo đại dịch Covid-19 tại thành phố Thư Lan, từ mức trung bình lên mức cao sau khi xác nhận có 11 cas nhiễm mới tại địa phương này. Tính đến hết ngày 9-5, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 82.901 cas mắc Covid-19, trong đó có 4.633 cas tử vong và 78.120 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi bình phục.

Điều này đồng nghĩa với dịch Covid-19 vẫn âm ỉ tồn tại ở Trung Quốc. Nếu các quốc gia khác không thận trọng trong dỡ bỏ giãn cách xã hội thì nguy cơ tái nhiễm dịch bệnh sẽ khó tránh khỏi.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc dỡ bỏ các quy định hạn chế là “phức tạp và khó khăn”, đồng thời nhấn mạnh, “việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa một cách chậm rãi và từng bước” là vấn đề then chốt.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>