Italia - Pháp bất đồng liên quan đến người di cư

15/06/2018 | 07:09 GMT+7

Vấn đề tiếp nhận người di cư tị nạn vào châu Âu vốn dĩ đã “nóng” trong thời gian gần đây nên việc Italia từ chối tiếp nhận hơn 600 người tị nạn mới đây càng làm gia tăng căng thẳng giữa các nước.

Người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius. Nguồn: CNN

Mới đây, tàu Aquarius của tổ chức phi chính phủ Pháp SOS Mediterranee đã cứu 629 người, trong đó có 11 trẻ em và 7 phụ nữ mang thai, di cư trái phép tại vùng biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cả Malta và Italia đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italia.

Động thái từ chối tiếp nhận người tị nạn của Italia đã bị nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) phản đối và lên án. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kịch liệt phản đối quyết định trên của Rome, cho rằng theo luật pháp quốc tế, Italia phải tiếp nhận những người di cư này do là nước có đường bờ biển gần nhất với nơi xảy ra vụ việc. Ông Emmanuel Macron còn lên tiếng chỉ trích chính phủ Italia là vô cảm, thiếu trách nhiệm và không tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Italia cũng đã triệu Đại sứ Pháp tại Rome để phản đối phát ngôn khiếm nhã của Pháp khi chỉ trích gay gắt quyết định Italia từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư vừa qua. Italia tuyên bố không thể chấp nhận “những lời rao giảng đạo đức giả” từ một nước như Pháp.

Thực chất, phản ứng của Italia trong thời gian gần đây chính là hệ lụy của việc quá tải làn sóng người di cư vào nước này. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Italia đã phải tiếp nhận và xử lý gần 120.000 trong tổng số hơn 170.000 người tị nạn đổ về châu Âu. Điều này đã làm cho Rome rơi vào tình cảnh khó khăn, trong khi theo quy định chung của EU - người di cư ở gần nước nào thì nước đó chịu trách nhiệm tiếp nhận.

Trong một động thái liên quan, Liên Hiệp Quốc và EU đã hối thúc Italia và Malta hành động có trách nhiệm. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Italia tuyên bố nước này từng nhiều lần phải một mình giải quyết vấn đề người di cư, đồng thời kêu gọi các quốc gia EU, trong đó có Malta, cũng tăng cường tiếp nhận người di cư từ châu Phi.

Sự việc chỉ được vãn hồi khi tân Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez bất ngờ tuyên bố Tây Ban Nha sẽ tiếp nhận số người tị nạn trên tại cảng Valencia với lý do nhân đạo, dù đây không phải là cảng gần nhất với vị trí của tàu. Sau đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã phải ra tuyên bố Pháp sẵn sàng giúp đỡ Tây Ban Nha tiếp nhận một phần người tị nạn trên tàu.

Trong một diễn biến liên quan, nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Áo hay Ba Lan thì kiên quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn vào nước mình. Ngay cả Đức, quốc gia có chính sách khá ưu ái trong việc tiếp nhận người di cư thì thời gian gần đây cũng đã thắt chặt hơn với người nhập cư. Mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có nhiều nỗ lực vận động, thuyết phục các đảng phái trong nước nhưng Đức cũng chỉ có thể tiếp nhận số người xin tị nạn mới tại nước này dưới mức 200.000 người/năm.

Còn Thủ tướng Áo Sebastian Kurz - người có quan điểm cứng rắn về chính sách nhập cư, khẳng định sẽ không tham gia những tranh cãi nội bộ Đức, nhưng nhấn mạnh Áo - nước sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1-7 tới, sẽ tăng cường ưu tiên bảo vệ các đường biên giới của EU. Điều này đồng nghĩa với việc người di cư tị nạn càng khó nhập cư vào châu Âu hơn.

Giới quan sát cho rằng, vấn đề tị nạn đang trở thành một trong những tâm điểm tranh cãi tại châu Âu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu cuối tháng này tại Brussels. Tuy nhiên, kết quả cho sự đồng thuận với người di cư tị nạn chắc sẽ không như mong muốn vì còn quá nhiều bất đồng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>