Lo ngại tăng lạm phát tại châu Âu

29/08/2023 | 09:07 GMT+7

Ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng lãi suất từ âm 0,5% lên 3,75% trong năm qua để làm chậm đà tăng giá và kiềm chế lạm phát.

Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương châu Âu ở Jackson Hole, bang Wyoming, Mỹ hôm 25-8, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, lãi suất ở EU sẽ được giữ ở mức cao “miễn việc này là cần thiết” để ngăn chặn tình trạng lạm phát cao kéo dài.

Cảnh báo nguy cơ lạm phát và sức ép giá cả có thể diễn biến phức tạp được Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra trong bối cảnh đa số các nước phát triển phải ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao kỷ lục trong 2 năm qua, và sức ép lạm phát dai dẳng hơn so với dự báo ban đầu của các chuyên gia.

Chủ tịch ECB cũng cho rằng thị trường lao động đang trải qua những thay đổi sâu sắc, quá trình chuyển đổi năng lượng tạo ra nhu cầu đầu tư mới, trong khi sự chia rẽ địa chính trị ngày càng gia tăng, dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhu cầu đầu tư tăng cao và nguồn cung khó khăn có thể khiến sức ép giá tăng. Bên cạnh đó, người lao động đang có lợi thế hơn về đàm phán lương khi nhu cầu lao động tăng và các công ty khẩn trương điều chỉnh giá. Những thay đổi này có thể chỉ mang tính tạm thời, nhưng các ngân hàng trung ương cần đề phòng khả năng một số thay đổi sẽ kéo dài.

Kể từ mùa hè năm 2022, ECB đã tăng lãi suất 9 lần từ âm 0,5% lên 3,75%. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đồng Euro đã giảm một nửa trong khoảng thời gian từ mức đỉnh 10,6% vào năm 2022 xuống còn 5,3% vào tháng 7-2023. Bà Lagarde không cho biết liệu ECB có kế hoạch tạm dừng chính sách thắt chặt tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 14-9 hay thực hiện tăng lãi suất lần thứ 10 hay không. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng mặc dù lạm phát bề ngoài có vẻ chậm lại nhưng những áp lực cơ bản cũng như rủi ro vẫn tồn tại.

Bà Lagarde nhấn mạnh, các quyết định liên quan đến việc tăng lãi suất trong tương lai của ECB sẽ phụ thuộc vào triển vọng lạm phát, tốc độ tăng trưởng giá cốt lõi và tác động của các biện pháp chính sách tiền tệ: “Ba tiêu chí này giúp giảm thiểu sự không chắc chắn xung quanh triển vọng trung hạn bằng cách kết hợp các dự báo lạm phát của chúng tôi, xu hướng mà chúng tôi có thể rút ra từ lạm phát cơ bản và tính hiệu quả của các biện pháp, chính sách của ECB trong việc chống lại xu hướng đó”.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) dự kiến sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 8 vào tuần tới. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo, tăng trưởng giá sẽ chậm lại ở mức 5%, nhưng lưu ý rằng con số này vẫn sẽ cao hơn gấp đôi mức mục tiêu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>