Mỹ - Triều căng thẳng tột độ

07/09/2023 | 05:39 GMT+7

Việc Triều Tiên tăng cường sức mạnh quân sự và xích lại gần với Nga và Trung Quốc để đối phó Mỹ - Hàn đã làm cho bán đảo Triều Tiên lại càng “nổi sóng”.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Trong tuần qua, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo, tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả hành động Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự chung. Các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa các bên đang đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao nhất trong nhiều năm.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, cuộc tập trận mô phỏng tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được quân đội nước này tiến hành vào rạng sáng 2-9 (giờ địa phương) nhằm cảnh báo về mối nguy hiểm thực sự của chiến tranh hạt nhân. Hai tên lửa hành trình chiến lược tầm xa có gắn đầu đạn “hạt nhân giả” đã được phóng ra trong môi trường chiến tranh thực tế theo các thủ tục phê duyệt phóng nhanh.

Triều Tiên cho biết: “Các tên lửa hành trình chiến lược tầm xa đã được bắn về vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, nó đã thực hiện thành công nhiệm vụ tấn công hạt nhân bằng cách đảm bảo rằng các tên lửa bay theo quỹ đạo hình số 8, mô phỏng quãng đường 1.500km trong lần lượt 7.672 và 7.681 giây. Và đầu đạn hạt nhân của những tên lửa này phát nổ ở độ cao 150m trên bầu trời hòn đảo mục tiêu”.

Trước đó, hôm 30-8, Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển Nhật Bản, nhằm phát đi thông điệp rõ ràng tới Mỹ và Hàn Quốc liên quan tới cuộc tập trận “Lá chắn tự do Ulchi”, thể hiện năng lực và ý chí đáp trả kiên quyết của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã nhiều lần phản đối các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc, xem đây là hành động gây hấn nhằm vào nước này bằng việc liên tục phóng tên lửa đạn đạo cảnh báo. Tuy nhiên, các cuộc tập trận Mỹ - Hàn định kỳ vẫn diễn ra. Từ đó căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ - Hàn ngày một tăng lên.

Ngay sau vụ phóng tên lửa đạn của Triều Tiên ngày 1-9, Hàn Quốc đã đưa thêm Công ty Phát triển chương trình Ryukyong có liên quan đến hoạt động phát triển vũ khí tự hành của Triều Tiên cùng với 5 quan chức của công ty này vào danh sách cấm vận đơn phương của Seoul.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, qua lần trừng phạt này, Seoul đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn hoạt động phát triển vệ tinh, máy bay không người lái, hạt nhân, tên lửa, né tránh các quy định cấm vận và huy động vốn của Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc còn nhấn mạnh, sẽ duy trì hợp tác mật thiết với Mỹ, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế để hối thúc Triều Tiên ngừng các hoạt động gây căng thẳng này và trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.

Những dấu hiệu trên cho thấy, xu hướng đối đầu trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu leo thang trở lại. Cứ sau mỗi lần Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận, Triều Tiên lại gia tăng các vụ thử tên lửa và các hành động quân sự khác nhằm “răn đe” các động thái của Mỹ - Hàn Quốc ở khu vực.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, ông sẽ nêu vấn đề tập trận hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) Kim Kyou-hyun cho biết trong buổi báo cáo kín trước ủy ban tình báo quốc hội mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra đề xuất khi gặp trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm thảo luận các cuộc diễn tập chung với Triều Tiên trong tương lai. Tương tự, thời gian gần đây, Triều Tiên cũng đã xích lại gần với Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Tư lệnh Chiến lược Mỹ Anthony Collin ngày 4-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada khẳng định, trong bối cảnh môi trường an ninh căng thẳng, việc tăng cường khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bao gồm cả răn đe bằng hạt nhân, đây là một phát biểu tương đối cứng rắn của Nhật Bản sau khi Triều Tiên tập trận mô phỏng tấn công hạt nhân chiến thuật.

Các chuyên gia nhận định, tình hình bán đảo Triều Tiên đang trong thời kỳ căng thẳng tột độ, khi các bên liên tiếp có các hành động răn đe đáp trả lẫn nhau. Đây được xem là ngòi nổ chậm đang âm ỉ cháy và sẽ nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan thiếu kiềm chế.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>