Ngòi nổ chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên vẫn âm ỉ cháy

19/01/2018 | 08:14 GMT+7

Thời gian gần đây, mặc dù cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều phát đi tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng hướng đến các cuộc hòa đàm giữa hai quốc gia, nhưng ngòi nổ chiến tranh của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên vẫn ngấm ngầm cháy.

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc tham gia tập trận chung “Giải pháp then chốt” tại Goyang, Hàn Quốc ngày 15-3-2017.   Ảnh: AFP/TTXVN

Sau thời gian dài “khẩu chiến” gay gắt với Triều Tiên, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng “đối thoại bất cứ lúc nào” để chấm dứt mối đe dọa chiến tranh Triều Tiên. Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên đã nhất trí cử đoàn vận động viên và đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia thi đấu, trình diễn tại Olympic mùa Đông PyeongChang. Những kết quả trên được xem là bước đột phá chưa từng thấy trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên sau hai cuộc họp, làm việc tại Panmunjom thảo luận các vấn đề liên quan tới việc đoàn Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Đồng thời, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới 2018.

Những diễn biến hạ nhiệt căng thẳng hướng đến hòa đàm trong tương lai gần giữa Triều Tiên và Hàn Quốc được dư luận quốc tế đồng tình và ca ngợi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Seoul đang cân nhắc việc tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm tạo điều kiện cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang vào tháng 2-2018.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trước đó cũng đã hoan nghênh tiến triển của các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời xem đây là những động thái tích cực nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực, hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh không mong muốn giữa hai miền Triều Tiên.

Còn Nga coi cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện của Hàn Quốc và Triều Tiên là con đường duy nhất để giảm căng thẳng tại đây.

Trong khi đó, Trưởng phái đoàn Triều Tiên tham dự đàm phán cấp cao liên Triều cho biết, việc thảo luận về chương trình hạt nhân và kho vũ khí của Triều Tiên sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ liên Triều.

Trong một diễn biến liên quan, mặc dù Mỹ khẳng định cam kết sử dụng giải pháp ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân với Triều Tiên, nhưng quân đội Mỹ vẫn đang âm thầm thực hiện các bước để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Theo đó, quân đội Mỹ đã gia tăng các cuộc tập trận mô phỏng chiến tranh và các bài diễn tập hậu cần mô phỏng một cuộc chiến tranh thật sự trên đất liền Mỹ. Đáng lưu ý là cuộc tập trận ở Forrt Bragg, Bắc Carolina, có sự tham gia của 48 chiếc trực thăng tấn công Apache cùng trực thăng vận tải Chinook thực hiện diễn tập chuyển quân và thiết bị dưới làn lửa đạn và mục tiêu tấn công. Sau đó, tại Nevada, hàng trăm binh sĩ thuộc sư đoàn 82 của Lục quân Mỹ nhảy dù từ những máy bay vận tải quân sự C-17 trong đêm trong cuộc diễn tập mô phỏng một cuộc xâm nhập. Dự kiến vào tháng 2 tới, tại một số căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ, sẽ có hơn 1.000 binh sĩ tham gia diễn tập thiết lập các kho hậu cần để nhanh chóng chuyển các binh sĩ chiến đấu và các nguồn cung cấp ra tiền tuyến.

Bên cạnh các cuộc tập trận mang hình thức xâm lược mở rộng trên đất liền ở lục địa Mỹ, Washington cũng có động thái triển khai bổ sung các lực lượng đặc nhiệm tại Hàn Quốc, nhằm mục đích tăng cường an ninh tại Thế vận hội mùa Đông 2018 diễn ra tại quận PyeongChang của Hàn Quốc, cách biên giới Triều Tiên khoảng 130km.

Trong khi đó, một đồng minh của Mỹ là Nhật Bản cũng vừa có một động thái đáng quan tâm là đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch sơ tán các công dân nước này cũng như công dân Mỹ từ Hàn Quốc bằng đường biển trong trường hợp Triều Tiên tấn công. Kế hoạch này tiết lộ công tác sơ tán người dân từ Hàn Quốc tới hòn đảo Tsushima và sau đó tới Kyushu của Nhật Bản. Kế hoạch này có thể được thực hiện nếu sân bay tại Seoul bị phong tỏa hoặc không thể hoạt động sau tình huống khẩn cấp. Tokyo cũng đã cân nhắc thực tế rằng Hàn Quốc cấm các tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) cập cảng nước này, vì vậy các thủy thủ Nhật Bản có thể sử dụng tàu Mỹ để chuyển người dân sang tàu của MSDF trước khi đưa họ tới Tsushima.

Giới quan sát nhận định, mặc dù Mỹ công khai lựa chọn giải pháp đàm phán hòa bình với Triều Tiên nhưng về sâu xa vẫn ngấm ngầm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Đây thật sự là nỗi lo của các quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>