Rác thải điện tử, nỗi lo của nhiều quốc gia

28/03/2024 | 09:15 GMT+7

Vừa độc hại lại khó xử lý, rác thải điện tử đang trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia.

Ảnh: AFP

Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết đến năm 2030, các nước sẽ thải ra 82 triệu tấn rác thải từ điện thoại di động cũ và các thiết bị khác. Các chuyên gia của LHQ cho rằng sự gia tăng này là do mức tiêu thụ cao hơn, nhiều người không chọn cách sửa chữa đồ bị hỏng mà thay thế bằng thiết bị mới, vòng đời của thiết bị điện tử ngắn hơn và cơ sở hạ tầng không đầy đủ để xử lý rác thải điện tử. Hiện tốc độ xả rác thải điện tử ra môi trường trên toàn thế giới đã cao gấp 5 lần khả năng xử lý chúng.

Ông Kees Balde, chuyên gia khoa học cấp cao của Viện Đào tạo và Nghiên cứu của LHQ cho biết: “Thông thường, mỗi người dân ở một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ có thể tạo ra tới 20kg rác thải điện tử mỗi năm. Chúng tôi ước tính khoảng 800.000 tấn rác thải điện tử cũ mỗi năm đang được chuyển từ các nước giàu sang các nước phía Nam bán cầu. Chỉ tính riêng năm 2023, 1,39 tỉ chiếc điện thoại di động đã được bán trên toàn cầu và ước tính hơn 5 tỉ chiếc đã bị vứt đi.

Ngoài ra, các thiết bị điện tử nhỏ, như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử. Lượng rác điện tử nhiều thứ hai chiếm 24% là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp và máy photocopy. Các tấm pin mặt trời bị loại bỏ chưa phải là lượng rác lớn hiện nay nhưng có thể là vấn đề khi công nghệ hiện nay trở nên cũ. Mặt khác, số lượng các tấm pin mặt trời bị lãng phí đang tăng nhanh chóng và sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay vào năm 2030. Đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên rác thải điện tử”. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn chất thải điện tử mỗi năm. Thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông nhỏ như điện thoại vào khoảng 5 triệu tấn rác.

Vào năm 2030, lượng rác thải điện tử dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Theo báo cáo, rác thải điện tử là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, vì rác có thể đầu độc người xử lý nó và môi trường xung quanh. Rác thải điện tử có thể chứa các thành phần độc hại như thủy ngân, gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người.

Theo Báo cáo giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2020, Trung Quốc là nước có lượng chất thải điện tử lớn nhất với hơn 10 triệu tấn. Mỹ đứng thứ hai với 6,9 triệu tấn, đứng thứ 3 là Ấn Độ với 3,2 triệu tấn. Cả 3 quốc gia này chiếm gần 38% lượng chất thải điện tử của thế giới trong năm ngoái.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, một trong những quốc gia tích cực số hóa, lượng rác thải điện tử tại quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng ngày càng nhiều hơn. Người dân Ấn Độ có thói quen lâu đời sửa chữa các đồ bị hỏng thay vì mua mới. Thói quen đó áp dụng từ giày dép, quần áo và thiết bị điện tử không phải là ngoại lệ. Nếu những thiết bị không thể sửa được, chúng sẽ được thu gom và phân tách. Linh kiện vẫn còn có thể tái sử dụng hoặc tái chế sẽ được để riêng để bán cho thương lái.

Chính phủ Ấn Độ đã mở một cổng thông tin điện tử cho phép người dân được quyền sửa chữa sản phẩm tại chính hãng, thay vì phải ra những cửa hàng ngoài chợ trời. Đến nay đã có khoảng 50 công ty đăng ký.

Đầu năm nay, Nghị viện châu Âu đã ủng hộ mạnh mẽ quyền được sửa chữa ở tất cả 27 quốc gia thuộc EU. Một số quốc gia còn phát phiếu sửa chữa, bảo hành cho người dân, chi phí sẽ do nhà nước chi trả. Pháp cũng dán tem khả năng sửa chữa lên sản phẩm để người dân nắm được thông tin trước khi chọn mua.

Các chuyên gia lo ngại, tình trạng rác thải điện tử sẽ tồi tệ hơn trong vài năm tới, có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây nguy hại cho đời sống con người khi mà chính phủ các nước chưa có các biện pháp hữu hiệu để xử lý đúng cách lượng chất thải khổng lồ này.

Lượng rác điện tử thải ra trên toàn cầu mỗi năm đạt mức cao kỷ lục 53,6 triệu tấn. Chỉ khoảng 17% trong số này được tái chế. Phần lớn còn lại vẫn chưa thể xử lý và đang trở thành mầm móng cho những thảm họa môi trường trong tương lai.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>