Sẽ nối lại hòa đàm Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc

16/02/2017 | 07:35 GMT+7

Sau nhiều lần tổ chức các cuộc hòa đàm giữa các bên liên quan tại Syria bất thành, mới đây Liên Hiệp Quốc tuyên bố sẽ nối lại hòa đàm này với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận lạc quan.

Quang cảnh vòng đàm phán hòa bình ở Syria diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng 1-2017.  Nguồn: NPR

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura đã chính thức gửi thư mời các bên tham gia hòa đàm Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) dự kiến sẽ khởi động vào ngày 23-2 tới. Theo đó, sau các cuộc tham vấn ban đầu, các bên dự định sẽ tổ chức vào ngày 20-2. Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho hay, các quan chức chính quyền Syria và lực lượng vũ trang đối lập sẽ được mời tham dự cuộc hòa đàm tổ chức tại thủ đô Astana của nước này trong hai ngày 15 và 16-2 tới. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ thảo luận về việc giám sát lệnh ngừng bắn và các biện pháp ổn định cũng như các bước đi cần thiết trước khi diễn ra cuộc hòa đàm do LHQ tổ chức tại Geneva. Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - cơ quan đại diện chính của phe đối lập Syria cũng vừa xác nhận sẽ cử một phái đoàn mới tham dự hòa đàm, trong đó có cả những đại diện của lực lượng do Nga hậu thuẫn. Như vậy các bên liên quan đều xác nhận sẽ tham gia cuộc hòa đàm do LHQ bảo trợ. Nội dung vòng hòa đàm Astana lần này có thể sẽ tập trung vào vấn đề thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài trên thực địa sau khi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập một cơ chế nhằm đảm bảo tính bền vững của thỏa thuận ngừng bắn.

Thực tế, tiến trình hòa đàm Syria đã diễn ra nhiều lần nhưng đều lâm vào bế tắc do bất đồng giữa các bên liên quan. Gần nhất là các cuộc hòa đàm được tổ chức tại Geneva từ ngày 8-2-2016. Trong khi đó, các cuộc đọ súng đẫm máu giữa các phe đối lập và cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn liên tục diễn ra tại quốc gia Trung Đông này. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết, lực lượng chính quyền Syria đã tiến hành ít nhất 8 vụ tấn công vũ khí hóa học trong những tuần cuối cùng của trận chiến giành lại Aleppo, làm 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em. Theo HRW, khoảng 200 người đã bị thương do khí độc được sử dụng nhằm vào các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo.

Trong khi đó, hiện các quốc gia liên quan lại tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự vào Syria với mục tiêu cuối cùng là quét sạch IS và giữ gìn an ninh trật tự. Tổng thống Cộng hòa Inghushetia thuộc Nga, ông Yunus Yevkurov, cho biết: Một tiểu đoàn cảnh sát quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga từ Cộng hòa Ingushetia đã được cử đến Syria để bảo đảm an ninh cho Không quân và Trung tâm hòa giải Syria của Nga. Lực lượng quân cảnh Nga trước đây đã thực hiện những nhiệm vụ tại Aleppo của Syria, nơi đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của lực lượng IS. Trước đó, tháng 12-2016, một tiểu đoàn cảnh sát quân sự đã được điều đến Syria để duy trì trật tự tại những khu vực đã được giải phóng.

Nhiều người kỳ vọng vòng hòa đàm Syria do LHQ bảo trợ lần này sẽ tạo được sự đồng thuận giữa các bên liên quan nhằm thực thi lệnh ngừng bắn và xa hơn sẽ lập lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này sau 6 năm nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên kết quả vẫn còn tùy thuộc vào động thái của các bên liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>