Sudan có thể trở thành thánh địa của khủng bố ?

23/08/2023 | 17:54 GMT+7

Tình trạng hỗn loạn về an ninh trật tự khi giao tranh liên tục diễn ra đã khiến Sudan trở thành nơi nương náu của lực lượng khủng bố.

Chiến sự đã cướp đi mạng sống của khoảng 4.000 người, đa số là dân thường và khiến gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ảnh: Reuters

Cơ quan Liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD) cảnh báo: Tình trạng bất ổn và mất an ninh nghiêm trọng hiện nay tại Sudan có thể khiến quốc gia châu Phi này trở thành nơi ẩn náu lý tưởng của chủ nghĩa khủng bố.

Lời cảnh báo của quan chức IGAD được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang đẫm máu tại Sudan giữa quân đội quốc gia và Lực lượng Hỗ trợ nhanh đối địch đã bước sang tháng thứ 4 và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Ông Abede Moloneh, người đứng đầu Chương trình an ninh của IGAD, chỉ rõ: Khu vực vùng Sừng châu Phi giàu tài nguyên đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do bất ổn chính trị, mối đe dọa khủng bố và tác động của biến đổi khí hậu. Chính những yếu tố này là môi trường thuận lợi để các tổ chức khủng bố len lỏi tồn tại tại đây.

Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ trên là bởi các nhóm khủng bố tại Trung Đông, đặc biệt là tại Syria đang tích cực tìm kiếm địa bàn ẩn náu và hoạt động mới, trong đó có vùng Sừng châu Phi, sau khi chúng liên tiếp hứng chịu các chiến dịch tiễu trừ khủng bố quy mô lớn của quân đội chính phủ.

Thống kê mới nhất cho thấy, chiến sự đã cướp đi mạng sống của khoảng 4.000 người, đa số là dân thường và khiến gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Một số chuyên gia quân sự cảnh báo, nếu không sớm đạt được lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình, xung đột có thể lan rộng thành cuộc nội chiến nguy hiểm tại Sudan với những hệ lụy khôn lường đối với toàn khu vực.

Trước nguy cơ đó, quan chức IGAD kêu gọi tất cả các quốc gia khu vực cùng nỗ lực hành động tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các cuộc xung đột và khủng hoảng, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố tại khu vực.

Sau 5 tháng xung đột, chiến sự giữa hai phe đối địch là quân đội quốc gia và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tại Sudan, đã cướp đi mạng sống của ít nhất 4.000 người và khiến khoảng 8.000 người khác bị thương, đa số là dân thường.

Ngoài ra, còn có hàng nghìn công trình nhà ở, bệnh viện, đường sá, hệ thống cấp nước, đường dây tải điện, trường học, cửa hàng… bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề. Xung đột cũng buộc buộc gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó gần 1 triệu người chạy sang các nước láng giềng. Trong một báo cáo mới đây, Liên Hiệp Quốc cảnh báo, cuộc xung đột khiến hơn 40% dân số Sudan đang trong tình trạng thiếu lương thực, cao gấp nhiều lần giai đoạn trước chiến sự. Sudan đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng khi hàng viện trợ không kịp đến tay người dân bởi rào cản chiến sự.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia liên quan đã nỗ lực làm trung gian hòa giải những đều bất thành. Điển hình là nỗ lực phối hợp giữa Mỹ và Saudi Arabia, đã được tiến hành, nhưng chưa mang lại kết quả mong muốn. Trước thế bế tắc chính trị kéo dài, hai bên trong cuộc xung đột liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán, khiến cục diện chiến sự trở nên phức tạp hơn. Nỗi thống khổ của hàng triệu dân thường vô tội Sudan, cũng vì thế ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Trước đó, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shourky và người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, đã nhất trí về sự cần thiết phải nỗ lực hết sức nhằm duy trì sự ổn định và toàn vẹn của nhà nước Sudan, đảm bảo an toàn cho người dân nước này.

Hiện không chỉ các nước gấp rút sơ tán công dân khỏi “chảo lửa” xung đột Sudan mà nhiều tổ chức nhân đạo cũng đã rời khỏi quốc gia này do không thể làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo vì giao tranh ngày càng ác liệt hơn. Chính điều này đã khiến người dân Sudan càng gặp khốn khó vì thiếu lương thực, thuốc men, trang thiết bị y tế… chăm sóc sức khỏe.

Đây cũng là điều kiện tốt, mảnh đất màu mỡ để các tổ chức khủng bố nương náu và xây dựng lực lượng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>