Thế giới hứng chịu cái lạnh nhất 100 năm qua

08/01/2018 | 08:29 GMT+7

Nhiều nước châu Âu vốn chỉ biết tới nắng ấm cùng những mùa Đông ôn hòa, nay đang đối diện “thảm họa băng tuyết” chưa từng có trong hàng chục năm, với một số vùng thậm chí còn lạnh nhất trong 130 năm qua.

Nước Mỹ hiện đã “lạnh hơn Sao Hỏa” do ảnh hưởng của bão bom tuyết đổ vào bờ Đông.

Tại Mỹ, mùa Đông được đánh giá là khắc nghiệt nhất trong 40 năm trở lại đây. Tuy nhiên ở một số vùng, mức nhiệt còn giảm sâu hơn mức kỷ lục của 100 năm về trước. Nhiều nơi trên nước Mỹ chứng kiến nền nhiệt giảm sâu kỷ lục cùng tuyết rơi dày đặc. Khi nhiệt độ ngày càng giảm sâu tại Bắc Mỹ, nhiều vùng tại Mỹ và nước láng giềng Canada chìm sâu trong đợt giá rét kỷ lục. Không khí lạnh cũng đồng thời ảnh hưởng tới nhiều bang ở phía Bắc của Mỹ với nhiệt độ thấp nhất ở Duluth (bang Minnesota) là -38 độ C (ngày 1-1-2018). Còn ở Omaha (bang Nebraska), nhiệt độ đã giảm tới mức kỷ lục trong vòng 130 năm qua khi đạt mức -29 độ C. Aberdeen (bang Nam Dakota) cũng đang trải qua đợt lạnh nhất kể từ năm 1919 với nhiệt độ là -36 độ C.

Tình trạng lạnh tồi tệ không dừng lại ở đó. Một cơn bão “bom tuyết” đã được hình thành và tấn công vào khu bờ Đông nước Mỹ, cộng hưởng với triều cường đã nhấn chìm Boston trong biển nước. Mưa gió, lụt lội và băng tuyết là những hiện tượng mà thành phố Boston chưa từng gặp trong suốt 40 năm qua.

Tại Trung Quốc, mặc dù không giá rét kỷ lục như vùng Bắc Mỹ, nhưng mấy ngày nay, mùa Đông ở Trung Quốc được cho là đã vào giai đoạn tuyết rơi mạnh nhất trong cả năm. Việc tuyết rơi không ngừng, băng đóng khắp mọi nơi đang khiến cho công việc và cuộc sống của hầu hết người dân vùng Đông Bắc nước này rơi vào cảnh “khó thở”. Ở nhiều nơi thuộc khu vực phía Bắc như Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây... những trận tuyết lớn dày tới 2-8mm, hay thậm chí đã dày tới 12-15mm ở một số nơi đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Các chuyên gia cũng cho hay, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới. Nhiệt độ trong thời gian này cũng đã giảm thêm 6-8 độ, một số nơi giảm 10 độ chỉ còn -20 độ C. Dù đây mới chỉ là trận tuyết đầu tiên trong năm 2018, nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân các nơi. Tại một số vùng phía Bắc Trung Quốc, lượng tuyết rơi thậm chí đã lên tới mức kỷ lục 40mm, gây cản trở và ách tắc giao thông trên phạm vi rộng. Cơ quan chính phủ đang hết sức điều động nhân viên dọn tuyết và cứu hộ người gặp nạn trên đường.

Tại Nga, dù đã quen chống chọi với cái rét hàng năm, tuy nhiên vào mùa Đông 2017-2018 này, ngay cả những cư dân của ngôi làng Oymyakon - được mệnh danh là nơi có người ở lạnh nhất thế giới - cũng phải công nhận rằng, nhiệt độ mùa Đông năm nay là hoàn toàn bất thường. Được biết đến với tên gọi “Cực Lạnh”, nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận tại Oymyakon là âm 71,2 độ C vào năm 1924. Đây cũng là nhiệt độ thấp kỷ lục cho bất kỳ khu vực nào có người sinh sống lâu dài trên Trái đất và thấp kỷ lục tại bán cầu Bắc. Vào năm nay, tình trạng mùa Đông ở Oymyakon được ghi nhận là vẫn lạnh như mọi năm, thậm chí có phần khắc nghiệt hơn. Người dân ở nơi đây thường phải để động cơ xe ô tô chạy cả ngày nếu không muốn mất rất nhiều thời gian khởi động lại từ đầu.

Tại Canada, đất nước lá Phong cũng không còn xa lạ gì với giá rét hàng năm, thế nhưng cái lạnh kỷ lục của năm nay thì thực sự chưa từng được ghi nhận. Bằng chứng là nhiệt độ tại Canada đã tụt xuống đến mức -30 độ C, các cơn gió có thể đạt nhiệt độ -40 độ C. Ngay cả loài chim cánh cụt Humboldt vốn sống khá thoải mái dưới trời băng tuyết cũng đã phải di tản vì nhiệt độ sống khắc nghiệt nhất mà chúng có thể chịu được chỉ vào khoảng -25 độ C. Vào ngày đầu năm mới vừa qua, nhiệt độ ghi nhận tại vùng lạnh nhất của Canada là Eureka ở phía Bắc Nunavut, với nhiệt độ -40,5 độ C. Nơi ấm nhất tại Canada là khu vực Prince Rupert ở phía Tây British Columbia, cũng chỉ đạt nền nhiệt 7,5 độ C.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>