Venezuela lo ngại Mỹ tái diễn kịch bản cũ

20/09/2017 | 08:13 GMT+7

Cáo buộc có liên quan với khủng bố, khủng hoảng chính trị cần có sự can thiệp, vi phạm chương trình hạt nhân của Liên Hiệp Quốc... là những lý do để Mỹ can thiệp vào nội bộ một quốc gia khác. Nguy cơ tái diễn kịch bản cũ có xảy ra ở Venezuela hay không đang là nỗi lo của quốc gia Nam Mỹ này.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Nguồn: EPA/TTXVN

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cảnh báo Mỹ âm mưu áp dụng kịch bản đã sử dụng tại Libya và Iraq để can thiệp quân sự vào Venezuela nhằm chiếm đoạt nguồn tài nguyên dầu khí có trữ lượng hàng đầu thế giới của nước này. Ông Maduro cho rằng Washington đang tìm cách tấn công quân sự Venezuela như đã tiến hành tại Iraq năm 2003 khi cáo buộc quốc gia Trung Đông sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông nhấn mạnh hiện các nguồn dầu khí của Iraq nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia, trong khi người dân Iraq đang chìm sâu trong một cuộc nội chiến, và điều tương tự cũng diễn ra tại Libya.

Lập luận của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, những cuộc bạo loạn do các thế lực cực đoan đối lập ở Venezuela tiến hành từ tháng 4 năm nay đã khiến 125 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương. Hệ lụy của nó đã làm cho kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này rơi vào suy thoái với lạm phát ở mức ba con số, trong khi lương thực và thuốc men thiếu thốn trầm trọng. Tất cả những cuộc bạo lực trên đều được Mỹ hậu thuẫn. Đây chính là lý do để Chính phủ Venezuela triệu tập Quốc hội lập hiến nhằm thiết lập an ninh và hòa bình sau 120 ngày bất ổn.

Trước đó, Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc Jorge Valero khẳng định Washington đang thúc đẩy một cuộc chiến kinh tế-tài chính chống lại Venezuela bằng những biện pháp trừng phạt đơn phương. Cùng quan điểm trên, Bộ Ngoại giao Venezuela cũng ra thông cáo nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của Washington chống lại Caracas sẽ làm tổn hại tới khả năng cung ứng dầu của Venezuela, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân Mỹ. Chính quyền Venezuela cho rằng quyết định đơn phương, bất hợp pháp của Tổng thống Trump không chỉ gây phương hại cho người dân Venezuela mà còn tác động tiêu cực tới người dân Mỹ bởi nó có thể khiến giá xăng tăng vọt.

Thực chất, căng thẳng giữa Venezuela và Mỹ càng gia tăng hơn khi đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa can thiệp quân sự vào Venezuela và đã đưa ra những biện pháp cấm vận kinh tế trừng phạt chính quyền của Tổng thống Maduro cũng như Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA bởi cho rằng Caracas đã vi phạm nhân quyền.

Chính những tác động trên của Mỹ đã làm cho quá trình đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập ở Venezuela rơi vào bế tắc. Nghị sĩ của phe đối lập Luis Florido, người đang tham gia đối thoại với đại diện chính quyền Venezuela, cho rằng quá trình đàm phán hiện nay chỉ ở vào giai đoạn “khám phá”, chưa chính thức bắt đầu. Trước đó, nghị sĩ Florido tuyên bố phe này không tin tưởng vào chính quyền và sẽ chỉ đối thoại khi đã đạt được thỏa thuận về điều kiện để bắt đầu đàm phán, bao gồm việc bầu cử tổng thống “minh bạch” với một cơ quan bầu cử mới, có sự giám sát của các bên trung gian hòa giải và quan sát viên quốc tế, trả tự do cho các tù nhân chính trị, khôi phục quyền hạn của Quốc hội, bị Tòa án Tối cao tước quyền từ tháng 3. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro đã bác bỏ tuyên bố trên và khẳng định quá trình đàm phán đã được khởi động.

Theo dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục đối thoại vào ngày 27-9 tới, với kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng đang diễn ra tại đất nước Nam Mỹ này.

Venezuela là 1 trong 10 nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp dầu lớn thứ tư cho Mỹ. Trong giai đoạn 2005-2007, Venezuela sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày và một nửa trong số đó cung cấp cho Mỹ. Tuy nhiên trong năm 2016, mỗi ngày Mỹ nhập từ Venezuela khoảng 700.000 thùng dầu, giảm so với mức 899.000 thùng/ngày của năm 2015.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>