Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sớm phát triển nhanh

07/06/2024 | 09:24 GMT+7

Hôm qua (ngày 6-6), trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thông tin, Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỉ USD để phát triển bền vững vùng ĐBSCL; trong đó, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61C (Hậu Giang) dài hơn 37km, trị giá 3.888 tỉ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6-6.

Cung cấp đủ điện cho doanh nghiệp

Tại phiên họp, đại biểu chất vấn: Thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, trong đó có những dự án công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan ngại là việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.

Và đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết thực trạng cung ứng điện phục vụ sản xuất hiện nay, trong đó có phục vụ các dự án tiềm năng. Thực trạng đó ảnh hưởng thế nào đến cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua và giải pháp trong thời gian tới?

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, năm 2023, nước ta có giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương miền Bắc, gây ảnh hưởng sản xuất. Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các công trình dự án điện và tháo gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư, giải quyết khâu phân phối điện qua xây dựng đường dây điện 500 kV mạch 3 với thời gian… thần tốc. Dự kiến cuối tháng 6 đường dây này sẽ hoàn thành, giải quyết điều tiết điện ở các vùng miền.

Phó Thủ tướng nói, Chính phủ cũng đảm bảo đa dạng hóa nguồn điện, cạnh tranh điện thông qua xây dựng nghị định mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để phục vụ tự dùng. Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ điện và doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo an ninh năng lượng.

Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61C - Hậu Giang, dài hơn 37km

Về giải pháp phát triển ĐBSCL trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, ông Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỉ USD để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, các đề án khác cũng được chú trọng thực hiện như đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đến năm 2030; đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Phó Thủ tướng thông tin thêm: Trung ương sẽ bố trí vốn dự phòng ngân sách để triển khai các dự án cấp bách, khắc phục sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn... bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng đồng bằng này.

Tháng 7-2023, lãnh đạo Chính phủ cho biết đồng ý vay 2,53 tỉ USD từ 6 đối tác nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững ĐBSCL. 16 dự án này được Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 tỉnh, thành miền Tây thống nhất đề xuất.

Một số dự án có mức đầu tư lớn như: hệ thống đường ven biển dài 415km đi qua 7 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, tổng mức đầu tư gần 43.000 tỉ đồng; hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) vốn hơn 4.150 tỉ đồng (Vĩnh Long); nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61C dài hơn 37km (3.888 tỉ đồng, Hậu Giang); hạ tầng đường bộ khu vực Nam sông Tiền (4.260 tỉ đồng, Đồng Tháp); xây hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (hơn 2.660 tỉ đồng, An Giang).

Các dự án còn gồm phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 9.800 tỉ đồng. Dự án gồm các hợp phần: mở rộng 10,2km Quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn), đường kết nối Ô Môn - Thới Lai - Giồng Riềng dài 22,5km, xây cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 (46km), Quốc lộ 62 (77km) và đường Nam sông Hậu (142km) tổng kinh phí gần 7.160 tỉ đồng...

Các dự án của địa phương sẽ được áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10%. 6 đối tác nước ngoài cho vay ODA gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới.

Tập trung khắc phục hạn chế trong từng lĩnh vực

Sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu (162 lượt chất vấn, 31 lượt tranh luận), còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị những đại biểu này gửi câu hỏi đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá các nội dung chất vấn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục hạn chế trong từng lĩnh vực.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>