Đóng góp để hoàn thiện pháp luật

14/06/2024 | 07:25 GMT+7

Công an tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện các dự thảo luật do Bộ Công an soạn thảo, trình kỳ họp Quốc hội giữa năm 2024, trong đó có dự thảo: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Công an tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp các dự thảo luật.

Cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho phòng, chống mua bán người

Theo lãnh đạo Công an huyện Phụng Hiệp, ngay sau khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực năm 2012, đơn vị đã tiến hành tổ chức triển khai đến cán bộ, chiến sĩ nắm.

Từ đó, từng cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ và thực hiện hiệu quả các quy định; luôn đảm bảo nắm bắt thông tin kịp thời, xử lý nhanh chóng các vụ việc có dấu hiệu nghi vấn về mua bán người xảy ra trên địa bàn.

Công an huyện đánh giá cao nội dung của Luật hiện hành, bởi mua bán người là tội phạm xâm hại nghiêm trọng quyền con người, xâm hại danh dự, nhân phẩm, tự do của con người. Hậu quả do hành vi mua bán người gây ra không chỉ đối với cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và sự phát triển của xã hội.

Nhận thức được những hậu quả đó, Chính phủ đã xây dựng những chính sách, hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống, đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, đặt biệt Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung mua bán người.

Luật tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Theo lãnh đạo công an này, sau hơn 10 năm đưa Luật này vào thực tiễn, công tác phòng, chống mua bán người đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tiễn đang đòi hỏi Luật cần hoàn thiện hơn để đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền con người, nên sửa đổi, bổ sung Luật là phù hợp.

Sửa luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm

Góp ý kiến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Công an huyện Phụng Hiệp cho biết, 5 năm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực, các đơn vị ở huyện thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngoài kết quả đạt được, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không đáp ứng đầy đủ được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Từ đó, đơn vị cho biết, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình áp dụng.

Công an huyện thống nhất cao với những nội dung và những chính sách mới của dự thảo, bởi đã hoàn thiện khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo tính khái quát, phù hợp với các luật liên quan và đáp ứng thực tế yêu cầu công tác quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm.

Đã bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho tặng, viện trợ nhằm tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, viện trợ.

Dự luật cũng sửa đổi, cắt giảm đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ, quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không có thời hạn, việc chuyển giấy xác nhận đăng ký sang giấy phép sử dụng nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, thực hiện được yêu cầu của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và Chính phủ điện tử.

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng

Đóng góp dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), lãnh đạo UBND huyện Vị Thủy thông tin: Việc nhiều đối tượng xấu sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp gây bức xúc dư luận xã hội, nhưng theo Luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng, chưa có danh mục quy định cụ thể hung khí nguy hiểm để có căn cứ xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.

Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm.

UBND huyện cho biết thêm, ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng, chống tội phạm hiện nay.

Dự luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Xin ý kiến một số điều khoản

 

Tại Phiên họp thứ 34, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đối với việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và tiền đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về chủ trương, tuy nhiên đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, phối hợp với các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật.

Về quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua thảo luận và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về nội dung này.

Đối với quy định đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này và quy định chuyển tiếp đảm bảo chặt chẽ.

Về điểm của giấy phép lái xe, cần nghiên cứu giải trình rõ, có tính thuyết phục đây không phải là hình thức xử phạt hành chính bổ sung; bổ sung nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm giấy phép lái xe, trách nhiệm sát hạch lại, tránh chồng lấn trong công tác quản lý nhà nước…

 

Bài, ảnh: K.L

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>