Mọi vấn đề liên quan đến chương trình, dự án phải được công khai, minh bạch

18/06/2024 | 07:45 GMT+7

Đồng tình, nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ở Hội trường Quốc hội, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đề xuất mọi vấn đề liên quan đến chương trình, dự án này phải được công khai, minh bạch.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, phát biểu thảo luận ở Hội trường Quốc hội.

Qua kết quả đạt được, bà Lê Thị Thanh Lam thấy các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân ở khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, chính sách dân tộc về phát triển kinh tế - xã hội, tình hình nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Từ đó, tạo sự đồng thuận của Nhân dân để triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực; quan tâm thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực trọng tâm, trọng yếu gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì theo Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua, có lúc, có nơi còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Bởi đây là khu vực có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và bị chia cắt, mật độ dân số thưa thớt, không tập trung.

Vì vậy, điều kiện phát triển kinh tế về vùng đồng bào thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, trong khi kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; an ninh trật tự vùng núi, biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và cần phải quan tâm cảnh giác.

Dù thống nhất cao việc điều chỉnh chương trình theo đề nghị của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đáp ứng nguyện vọng, mong đợi của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cả nước, nhưng bà Lê Thị Thanh Lam kiến nghị Chính phủ xem xét quy định và thực hiện phân định đối với các ấp, khu vực, thôn thuộc xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương làm cơ sở xây dựng triển khai cơ chế, chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu của chương trình theo hướng cho phép địa phương lựa chọn nội dung dự án thành phần có nhu cầu bức xúc, cấp thiết đầu tư để thực hiện đảm bảo lộ trình và phù hợp với vốn được giao, giúp tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả chương trình. Nghĩa là phân cấp mạnh về cho địa phương để chọn những nội dung phù hợp.

Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, tham mưu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện chương trình, cần giới hạn phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện để áp dụng làm cơ sở tính toán, phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho từng địa phương. Tùy tình hình thực tế, nội dung, nhu cầu đầu tư là đặc thù, từng địa phương sẽ xây dựng tiêu chí, định mức, phân bổ, áp dụng triển khai nhằm đảm bảo nguồn lực bố trí phù hợp với nhu cầu có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề xuất tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của chương trình đúng địa bàn, đúng đối tượng; có cơ chế huy động thêm nguồn lực bổ sung cho các địa phương để triển khai thực hiện, tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, doanh nghiệp; nghiên cứu những giải pháp, cách làm mới, sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Mọi vấn đề liên quan đến chương trình, dự án phải được công khai, minh bạch, nhằm tạo đồng thuận trong Nhân dân và huy động được các nguồn lực để thực hiện tốt chương trình”, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất và cho rằng, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Phần này có nhiều nội dung về vấn đề trường đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tập quán, tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia sinh hoạt trong không khí phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, Nhân dân khu vực ở biên giới.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang còn kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là của Mặt trận Tổ quốc các cấp, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương; kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện, đồng thời nhân rộng và khen thưởng những mô hình mới, cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết và đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của chương trình, dự án.

GIA NGUYỄN - MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>