Quy định cụ thể hơn trách nhiệm trong xây dựng cơ sở dữ liệu đường bộ

22/05/2024 | 10:14 GMT+7

Tham gia thảo luận ở Hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đường bộ.

Đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, theo Báo cáo tài chính nhà nước các năm qua, thì “Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, nên hiện nay, theo dõi chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời”.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khi đang xem xét sửa Nghị định 33/2019 thì việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã phát sinh những hạn chế, bất cập. Theo đó, việc giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản chưa rõ ràng gây ảnh hưởng công tác quản lý/việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa phản ánh hết tính chất đặc thù của từng loại tài sản, chủ yếu thực hiện theo phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện và chưa thực sự phát huy được hiệu quả nguồn lực tài chính từ khai thác tài sản công này.

Một số loại tài sản (như nhà hạt quản lý đường bộ) không còn nhu cầu sử dụng hoặc thay đổi quy hoạch loại ra khỏi danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhưng chưa có cơ chế để thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; một số loại tài sản trong quá trình thực hiện xử lý cần phải có ý kiến của đối tượng bị ảnh hưởng có liên quan… Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.

Đối với một số công trình đường bộ, đại biểu Lê Minh Nam phân tích, kết cấu hạ tầng đường bộ đã được đầu tư và hình thành từ lâu nhưng chưa được báo cáo vào hệ thống quản lý theo dõi/chưa phản ánh đầy đủ cả về hiện vật và giá trị, chưa được đánh giá lại để quản lý, quản trị. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32, Chỉ thị số 09 giao trách nhiệm cho các bộ quản lý chuyên ngành rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản thuộc lĩnh vực của mình nhằm quản lý, sử dụng và khai thác từng loại tài sản kết cấu hạ tầng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, đến nay, một số bộ quản lý chuyên ngành vẫn đang trong quá trình rà soát, xây dựng chính sách, nên chưa có hoặc chưa đầy đủ số liệu thông tin chi tiết về hiện vật của các loại tài sản này. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 213 ngày 1-3-2024 phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, nhưng nếu theo kế hoạch dự kiến, cũng phải đến 1-7-2025, mới hoàn thành. Điều này, càng khẳng định, phải có quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp theo dõi, quản lý, quản trị, khai thác, sử dụng công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ.

Ngoài những công trình được đầu tư là tài sản công nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, vẫn còn có những tài sản đầu tư bằng nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; trong hệ thống đường bộ còn có đường đầu tư theo hình thức đối tác công tư/có đường nội bộ do các doanh nghiệp đầu tư/đường nội bộ trong các khu dân cư, nhưng vẫn có sự tham gia giao thông kết nối với hệ thống giao thông công cộng… nên cũng cần theo dõi, quản lý đầy đủ, toàn diện.

Từ thực trạng nêu trên, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đường bộ/trong quản lý, khai thác dữ liệu tại dự thảo luật, vì quy định hiện tại chưa đủ cụ thể để đáp ứng yêu cầu quản lý, quản trị. Cho dù có quy định tại Điều 8 về phân loại đường bộ theo cấp quản lý; trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ tại Điều 37, nhưng cần xác định rõ cơ quan là đầu mối quản lý tổng hợp, tập hợp cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý, quản trị tài sản kế cấu hạ tầng đường bộ trên phạm vi toàn quốc.

Hoặc luật giao cho Chính phủ xác định cụ thể cơ quan đầu mối theo dõi, quản lý tại nghị định hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu quản lý công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ hiệu quả, hiệu lực, phù hợp quy định của hệ thống pháp luật, vì hiện nội dung giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Điều 6 và Điều 8 chưa quy định rõ nội dung này. 

GIA NGUYỄN - MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>