Tích cực các hoạt động dân cử

12/07/2024 | 05:42 GMT+7

Sáu tháng đầu năm, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục hoạt động hiệu quả, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của cơ quan và đại biểu dân cử.

Hậu Giang đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thăm và làm việc, tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá, 6 tháng qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành và lãnh đạo huyện, thị xã, thành phố, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đoàn và các vị ĐBQH hoạt động theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.

Đoàn và các vị đại biểu có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, ngày càng thực hiện tốt, hiệu quả hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu trong công tác lập pháp, giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào sự thành công của Quốc hội, hoàn thành trọng trách được giao, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Văn phòng luôn bám sát chương trình hoạt động của Đoàn và chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, phục vụ, đề xuất giải quyết công việc kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng; đội ngũ công chức và người lao động luôn có ý thức trách nhiệm, năng động, sáng tạo, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tích cực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Đoàn phối hợp cùng Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sở, ban, ngành liên quan, các chuyên gia tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với 9/11 dự án luật.

Trong đó, tổ chức hội nghị lấy ý kiến 3 dự án luật và lấy ý kiến bằng văn bản 6 dự án luật, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm, như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...

Đoàn bám sát vào Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình thực tế địa phương, tập trung giám sát đối với những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm.

Cụ thể, tổ chức triển khai và thực hiện 4 cuộc giám sát: 3 chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1 chuyên đề theo kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội). Đó là chuyên đề về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023; thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023…

Đoàn cũng tổ chức theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn và nhận đầy đủ các văn bản trả lời các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; việc xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được các ngành chức năng xem xét giải quyết, trả lời cho công dân theo quy định (tỷ lệ đạt 100%).

Tại các kỳ họp bất thường và thường lệ, đại biểu luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước với 39 lượt ý kiến, 6 lượt ý kiến thảo luận tại Đoàn; 23 lượt ý kiến thảo luận tổ; 8 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường; 2 lượt ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiếp xúc, giải quyết nhiều ý kiến của cử tri

Những tháng đầu năm, Đoàn phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp, ghi nhận 223 ý kiến, kiến nghị.

Qua đó, tổng hợp ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định. Bên cạnh đó, ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được trả lời tại hội nghị tiếp xúc; Đoàn cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo có văn bản trả lời cụ thể ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.

Các văn bản trả lời được Đoàn phối hợp tổ chức thông báo công khai tại các hội nghị tiếp xúc cử tri; phối hợp đăng tải nội dung văn bản trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện Luật Tiếp công dân, 6 tháng đầu năm, Đoàn tiếp 11 lượt công dân tại Trụ sở Đoàn và nhận được 11 đơn thư của công dân gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong đó kiến nghị 6, khiếu nại 4, tố cáo 1 đơn.

Đoàn và các vị đại biểu nghiên cứu từng nội dung và trao đổi với cơ quan chuyên môn, phân loại xử lý đơn để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan giải quyết kịp thời đúng quy định pháp luật. Kết quả, 100% đơn, thư đã được giải thích, hướng dẫn và chuyển các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

Những tháng đầu năm, Đoàn và các vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Cụ thể, thăm, tặng 1.920 phần quà cho ĐBQH qua các thời kỳ đang công tác, sinh sống ở thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, các gia đình chính sách, người có công, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; tặng 100 căn nhà đại đoàn kết; vận động nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng tuyến lộ ấp Long Sơn 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp… Tổng số tiền là 10 tỉ 776 triệu đồng.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>