Trả lời kiến nghị của cử tri

10/05/2024 | 05:47 GMT+7

Bộ Công an vừa có các văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về tội phạm an ninh mạng, phòng chống ma túy; mong muốn cử tri, Nhân dân Hậu Giang tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Quảng cáo đánh bạc qua mạng bị cơ quan chức năng thành phố Vị Thanh phát hiện, yêu cầu gỡ bỏ (ảnh chụp tháng 6-2023).

Cử tri kiến nghị:

Luật An ninh mạng ban hành năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 và Nghị định số 15 ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử cũng có hiệu lực. Tuy nhiên, việc đánh bạc trên mạng, lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, nhiều người “sập bẫy”, mất tài sản khi bị lừa mua bất động sản, giả danh cán bộ công an, ngân hàng, tổ chức nhà nước gọi điện báo tin, tặng thưởng, thuốc trị bệnh, vay vốn; nhiều tin trên mạng không đúng sự thật, gây hoang mang trong Nhân dân, việc xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc nói xấu lãnh đạo tạo “ma trận” về thông tin trên mạng làm cho người dân cả tin và không biết đâu là thật, đâu là giả, tình hình an ninh, trật tự chưa thật sự ổn định.

Kiến nghị Chính phủ bổ sung các chế định trong luật nhằm kịp thời chấn chỉnh tình hình trên.

Bộ Công an trả lời:

Trước sự phát triển của khoa học, công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tội phạm và các đối tượng dịch chuyển mạnh mẽ sang hoạt động trên không gian mạng, ngoài nhóm tội phạm liên quan công nghệ thông tin, viễn thông thì nhiều loại tội phạm “truyền thống” như cờ bạc, mại dâm, ma túy, lừa đảo... đều lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật (đánh bạc, lừa đảo trên mạng, giả danh cơ quan chức năng, tán phát thông tin không đúng sự thật, nói xấu, xuyên tạc... như cử tri phản ánh). Hầu như đời thực có gì thì trên không gian mạng đều có.

Đặc trưng của tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng là tính không biên giới, ẩn danh cao, khó phát hiện, khó đấu tranh hơn so với trên thực tế.

Năm 2023, riêng lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đấu tranh, triệt phá, phối hợp Cơ quan điều tra các cấp khởi tố 23 vụ án, 108 bị can; xử phạt hành chính 243 vụ việc, 498 đối tượng; xác minh làm rõ hàng trăm đối tượng.

Để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa, phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng trên, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, Bộ Công an đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp:

Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết (ban hành Luật An ninh mạng, Nghị định số 53/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020 quy định xử phạt vi phạm bành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật trong thực tiễn, kết hợp các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm trên không gian mạng theo quy định của pháp luật về an ninh mạng với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Đề nghị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng.

Tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nhận biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trên không gian mạng và nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật.

Cử tri kiến nghị:

Thời gian qua, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đối với một số vụ án về ma túy có phát hiện một số hoạt chất mới có chứa chất ma túy và các chất gây nghiện khác chưa có trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định, gặp khó khăn trong công tác xử lý đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy.

Kiến nghị sớm bổ sung các hoạt chất mới có chứa chất ma túy và các chất gây nghiện khác vào danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định để phù hợp tình hình thực tế hiện nay trong công tác đầu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy.

Bộ Công an trả lời:

Trong quá trình điều chế ma túy, đối tượng phạm tội đã sản xuất ra nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần mới, có loại đã có trong danh mục các chất ma túy cần quản lý của Chính phủ nhưng cũng có loại chưa có trong danh mục.

Do vậy, trong quá trình đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ tăng cường biện pháp quản lý, thường xuyên rà soát, nghiên cứu và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất bổ sung những chất gây nghiện, chất hướng thần mới xuất hiện vào danh mục quản lý của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngày 25/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 57 quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất. Căn cứ tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ban hành Kế hoạch số 537 ngày 18/10/2023 về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57 nhằm kịp thời bổ sung những loại ma túy, tiền chất mới phát hiện vào danh mục quản lý, hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ…

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>