Giảm nghèo ở tỉnh từng nghèo nhất miền Tây: Từ nỗi lo, quyết tâm biến thành hành động

03/12/2023 | 14:08 GMT+7

Việc xóa trắng hộ nghèo là cả một quá trình phấn đấu lâu dài và đầy khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, nhiều ấp nghèo đã được “xóa trắng”.

Bài 3: Xóa trắng ấp nghèo - Cách làm hay trong giảm nghèo ở Hậu Giang

Ở Hậu Giang mười mấy năm trước, đi đâu đâu cũng thấy hộ nghèo, có nhiều người nói vui: “Cứ ra ngõ là gặp người nghèo”, đó là sự thật. Sau khi giảm nghèo theo hộ dân, các địa phương quyết tâm thực hiện mô hình mới “Xóa trắng ấp nghèo”.

Ở những ấp “xóa trắng hộ nghèo” trên địa bàn huyện Châu Thành A, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Đã “xóa trắng” thì không thể để tái nghèo

Ông Lê Thành Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1A, xã Tân Hòa, chia sẻ: “Nếu như trước năm 2000, ở ấp có khoảng 18 hộ nghèo, thì từ năm 2019 đến nay đã không còn hộ nghèo nữa. Suốt thời gian qua, để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bên cạnh tranh thủ các nguồn vốn vay, chúng tôi còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhà ở để giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp. Mỗi năm địa phương chỉ vận động được khoảng 3-4 hộ đăng ký thoát nghèo, nhưng phần lớn các hộ đều có ý thức vươn lên, nên công tác xóa trắng hộ nghèo ở ấp đến cuối năm 2019 đã hoàn thành”.

Ấp 1A đã không còn hộ nghèo, nhưng với mục tiêu không để tái nghèo, địa phương luôn chủ động nắm bắt nhu cầu của người dân để có tham mưu hỗ trợ kịp thời. “Giúp người dân vươn lên thoát nghèo đã khó, việc bảo vệ thành quả xóa trắng hộ nghèo trên địa bàn lại còn khó hơn. Đối với những hộ đã thoát nghèo có nhu cầu phát triển kinh tế, chúng tôi vẫn xem xét giới thiệu cho bà con vay vốn. Địa phương còn họp xét đề nghị thành lập tổ hùn vốn trên địa bàn để mọi người có thể giúp nhau làm ăn”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Từng là hộ nghèo nhiều năm liền, nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương, ông Đinh Văn Nhớ, 63 tuổi, ở ấp 1A, giờ đã vươn lên thoát nghèo. Ông Nhớ bộc bạch: “Nếu không có sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, xem xét hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn thực hiện mô hình chăn nuôi hiệu quả, chắc giờ gia đình tôi đã không thể thoát nghèo. Trước đây, do các con còn nhỏ, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào công việc làm thuê của bản thân tôi, nên chỉ đủ ăn qua ngày. Thấy vậy, xã xét cho vay vốn để nuôi vịt, rồi còn thường xuyên đến tặng quà, gạo, nhu yếu phẩm... Sự giúp đỡ, quan tâm của các cấp, các ngành là nguồn động viên cho gia đình vượt qua khó khăn, nhờ vậy gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2019”.

Với số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện, ông Nhớ bắt tay ngay vào thực hiện mô hình nuôi vịt, nhờ chí thú làm ăn, cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ông không chỉ thoát nghèo, mà còn có điều kiện chăm lo cho các con.

Tại ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước, giúp hộ nghèo được an cư, địa phương còn tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình yếu thế có thêm nhiều cơ hội ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Trường Thắng, thông tin: “Đến cuối năm 2022, địa phương đã xóa trắng được hộ nghèo. Trước đây, qua rà soát đa phần hộ nghèo thường thiếu tư liệu sản xuất, hoặc gia đình có người lớn tuổi… nên khi xem xét cho các hộ đăng ký thoát nghèo, chúng tôi thường hỗ trợ các chương trình, dự án thiết thực nhất. Dù không còn hộ nghèo, nhưng còn 10 hộ cận nghèo. Để giúp các hộ này vươn lên, ấp đã kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động, là con em các hộ cận nghèo… Qua đây, giúp họ tăng thu nhập, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên, làm ăn phát triển kinh tế”.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Châu Thành A có 16 ấp ở 10 xã, thị trấn đã “xóa trắng hộ nghèo”. Ở những địa phương không còn hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét. Mọi người đã biết chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình, không còn trông chờ ỷ lại từ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương.

16 ấp ở 10 xã, thị trấn “xóa trắng hộ nghèo”

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Châu Thành A có 16 ấp ở 10 xã, thị trấn đã xóa trắng hộ nghèo. Toàn huyện hiện còn 648 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,42% và 828 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,09%, địa phương phấn đấu giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023.

Tham gia mô hình “Hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, thoát nghèo bền vững”, người dân ấp Phước Lợi được giúp đỡ, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Cộng đồng trách nhiệm

Ấp Phước Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành vào đầu năm 2020  có 7 hộ nghèo, sau thời gian thực hiện công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2022 ấp đã xóa trắng hộ nghèo. Kể từ đây, đời sống người dân như bước sang trang mới. Những căn nhà lá lụp xụp ngày nào đã được thay bằng mái ngói, mái tôn. Mọi người được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần đã được nâng lên.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, ấp Phước Lợi đề ra kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện tối đa giúp người dân thoát nghèo. Theo ông Lê Văn Tím, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phước Lợi, chi bộ cùng với các ban, ngành, đoàn thể ở ấp thường xuyên gặp gỡ từng hộ nghèo, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Đối với những hộ có đất đai thì vận động chăm sóc, cải tạo vườn, hỗ trợ cây giống; đối với hộ chưa có việc làm ổn định thì đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hộ nào khó khăn về nhà ở thì báo cáo về trên để vận động, tạo điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở. Cán bộ ấp còn đồng hành, kèm cặp theo kiểu “Cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho bà con cách làm ăn và tích cực tuyên truyền nhằm phát huy tối đa nội lực, tinh thần tự vươn lên của những hộ nghèo. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã còn thực hiện mô hình “Hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, thoát nghèo bền vững” ấp Phước Lợi. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn ấp đã đạt kết quả tích cực.

Xã Đông Phước A có 10 ấp, đến nay có 3 ấp trắng hộ nghèo: Phước Lợi, Phước Long và ấp Long Lợi. Đây là kết quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ, quyết tâm của người dân.

Từ khi có ngôi nhà mới, bà Trần Thị Sương (trái) cảm thấy thoải mái hơn khi nhận may đồ cho khách.

Trong năm 2020, thị trấn Bảy Ngàn có 2 ấp xóa trắng hộ nghèo là ấp 2A và 2B, nâng tổng số ấp được xóa trắng hộ nghèo trên địa bàn từ năm 2019 đến nay lên 3 ấp.

Có được kết quả này là nhờ thị trấn đã xây dựng, thực hiện mô hình “Đại biểu HĐND chung tay hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững”. Mô hình này thực hiện từ năm 2019 và được đánh giá là mang lại hiệu quả nên tiếp tục duy trì thực hiện trong năm 2020. Với mô hình này, Đảng ủy chỉ đạo mỗi đại biểu HĐND ở các ấp có nhiệm vụ kèm cặp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, giải pháp thực hiện mô hình là sau khi rà soát hộ nghèo của năm sẽ tổ chức đối thoại với hộ nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ, từ đó đề ra nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ phát triển kinh tế như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để giúp từng hộ nghèo một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Từ việc thực hiện các mô hình giảm nghèo gắn với từng hoàn cảnh của các hộ nghèo đã phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Những năm qua, thị trấn Bảy Ngàn đã thực hiện tốt việc kêu gọi, vận động các ngành, các cấp, mạnh thường quân tham gia ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị trấn kịp thời để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và người bán vé số trong thời gian chống dịch và xây mới được 15 căn nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 555 triệu đồng.

Việc tập hợp, phát huy sức mạnh của đại biểu HĐND các ấp từ đó thị trấn có nhiều giải pháp bám sát từng hộ nghèo để chung tay giúp hộ thoát nghèo bền vững. Bà Lê Thanh Hà, Trưởng ấp 3A, chia sẻ: Cuối năm 2018, toàn ấp còn 25 hộ nghèo. Năm 2019, còn 13 hộ và đến cuối 2019 toàn ấp 3A đã xóa trắng hộ nghèo. Phải khẳng định rằng, từ khi thực hiện mô hình đã tăng cường được trách nhiệm đại biểu HĐND trong việc hỗ trợ hộ nghèo.

THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>