Giảm nghèo ở tỉnh từng nghèo nhất miền Tây: Từ nỗi lo, quyết tâm biến thành hành động

04/12/2023 | 14:11 GMT+7

Mỗi mô hình, cách làm mới được triển khai, nhân rộng, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững, chất lượng.

Bài 4: Sinh kế trao tay – Giảm nghèo bền vững

Từ các mô hình sinh kế cụ thể, phù hợp đặc thù địa phương, các hộ nghèo như được chắp cánh để thoát nghèo bền vững.

“Chìa khóa” giúp người dân giảm nghèo

Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, cải thiện cuộc sống, các huyện, thị, thành phố đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, UBND xã Trường Long A, đến bàn giao dê giống, xem xét chuồng nuôi của các hộ dân trong dự án.

Nhìn vào chuồng dê giống vừa được xã bàn giao, không giấu được niềm vui, ông Thum Em tâm sự: “Hai con dê cái đã gần sinh sản, mừng lắm mới nhận về nuôi mà gần có thêm dê con. Gia đình tôi khó khăn, cả nhà chỉ phụ thuộc vào 1 công đất ruộng, nên ăn còn không đủ lấy đâu có dư mà làm ăn để thoát nghèo. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho gia đình vay vốn, rồi hỗ trợ dê giống để phát triển mô hình chăn nuôi, vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.

Không riêng gì ông Thum Em, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng, ở ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, là hộ cận nghèo của xã, nhờ sự quan tâm của địa phương, mới đây gia đình anh Tùng đã được hỗ trợ 3 con dê giống.

Anh Tùng chia sẻ: “Khi được hỗ trợ dê giống, vợ chồng tôi mừng lắm. Tôi đã thấy nhiều gia đình nuôi dê sinh sản thành công, cho thu nhập khá, do trước giờ không có vốn nên chưa dám nghĩ đến. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc dê thật tốt và gây dựng thành đàn, tạo nguồn vốn cho gia đình”.

Bị khuyết tật một chân, cuộc sống gia đình anh Tùng trước giờ chỉ sống bằng nghề thu mua ve chai, thu nhập khá bấp bênh. “Nếu phát triển được mô hình nuôi dê, tin rằng gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Qua tìm hiểu tôi thấy dê cũng dễ nuôi, lại không kén thức ăn, giá trị kinh tế từ vật nuôi khá ổn định, chỉ cần chịu khó chăm sóc chắc chắn mô hình sẽ phát triển ổn”, anh Tùng chia sẻ thêm.

Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của xã Trường Long A, có 10 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được lựa chọn tham gia. Mô hình nuôi dê thương phẩm trên địa bàn xã đã có đầu vào và đầu ra ổn định. Sau 2 năm, cả 10 hộ đều thoát nghèo.

 “Được thực hiện từ tháng 10-2022 đến nay, mô hình “Ươm cây giống, cây hoa, cây kiểng” trên địa bàn xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy đã giúp người dân tăng thu nhập.

Cụ thể, mỗi hộ đã thu lợi nhuận từ 10 đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình được thực hiện còn thúc đẩy nghề ươm cây giống, trồng hoa, trồng cây kiểng trên địa bàn xã phát triển theo định hướng phát triển của thành phố về thành lập làng hoa kiểng”, ông Võ Bảo Lộc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy, cho biết.

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, những hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để thực hiện mô hình. Người được hỗ trợ thực hiện dự án là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định). Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo…

Tại huyện Châu Thành A, Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được triển khai tại 7 xã, thị trấn gồm thị trấn Bảy Ngàn, thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc, xã Nhơn Nghĩa A, xã Trường Long A, xã Tân Hòa và xã Tân Phú Thạnh, với tổng kinh phí trên 2,1 tỉ đồng. Hiện các xã, thị trấn đang xây dựng kế hoạch để triển khai ra cộng đồng dân cư.

“Thông qua các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế sẽ góp phần tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tăng thu nhập, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội, thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo”, bà Bùi Mỹ Tiên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết.

Còn tại thành phố Vị Thanh, năm 2023 địa phương được phân bổ hơn 2,2 tỉ đồng thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại 8 xã, phường. Các xã, phường đang phối hợp với hội, đoàn thể giới thiệu, tư vấn các mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng để người dân lựa chọn, chuẩn bị phương án đăng ký thực hiện.

Để dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, tư vấn những mô hình, cách làm hiệu quả đến người dân, để từ đó xây dựng dự án, mô hình phù hợp, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ. Qua đó, góp phần giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”…

Tạo cho người dân có cái nghề

Thời gian qua, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp lao động nông thôn tiếp cận đa dạng nghề, đem về nguồn thu nhập tăng thêm cho gia đình.

Nghề đan lục bình giúp bà con ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp có thêm thu nhập.

Tìm đến cơ sở đan ghế nhựa gia công Thành Đạt, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, một trong những nơi đang thu hút lao động tại chỗ với công việc ổn định, thu nhập khá. Cơ sở này hiện nay có gần 50 lao động tại địa phương. Chị Nguyễn Thúy Hằng, chủ cơ sở chia sẻ: “Người đến đây nhận hàng về làm, mỗi tháng được từ 4-6 triệu đồng. Cơ sở có đơn hàng thường xuyên trong năm nên cần lượng lao động nhiều. Vì vậy, không chỉ có chị em trong khu vực xã Phương Bình mà chúng tôi còn tuyển mở rộng ở địa bàn lân cận mới đủ đáp ứng”.

Trung bình mỗi đợt, cơ sở của chị Hằng nhận đơn hàng ngàn chiếc ghế đan dây dù. Vào cao điểm, lực lượng lao động của cơ sở lên đến hơn 100 hộ nhận hàng về làm và khoảng chục lao động đan tại chỗ nên cơ sở của chị rất thu hút lao động vì cách làm hiệu quả.

Chị Hằng cho biết thêm: “Mỗi năm, tôi nhận đứng lớp dạy lại cách đan dây cho huyện vài lớp. Ngoài ra, còn có đơn vị huyện Long Mỹ cũng đặt hàng để góp phần phát triển nghề này tại địa phương, giúp lao động nông thôn kiếm thêm nguồn thu ngoài việc đồng áng, tận dụng được thời gian rảnh mà có thêm thu nhập”.

Nhờ được đào tạo nghề nên bà Nguyễn Thị Hóa, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đã có thêm nguồn thu nhập ổn định trung bình từ 180.000-200.000 đồng/ngày. Là lao động lâu năm của cơ sở, bà Hóa bày tỏ: “Học đan ghế cũng dễ, chỉ 1 tháng là có thể làm được tất cả các mẫu khác nhau. Ban đầu, tôi được học những cách đan cơ bản, sau đó luyện tập mẫu đơn giản trước, khi thành thục thì tự có thể nhìn mẫu phức tạp mà làm. Tham gia làm ở đây tôi rất ưng bụng, vì được dạy nghề miễn phí, có được thu nhập khá hơn làm ruộng, mà được làm việc trong mát nên công việc cũng đỡ vất vả”.

Mô hình “Trồng hoa, cây kiểng và ươm cây giống” ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>