Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

04/08/2017 | 02:57 GMT+7

Tuyên truyền, vận động thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặc biệt chú trọng hiện nay khi thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi ở phường III, thành phố Vị Thanh.

Nâng cao chất lượng dân số cũng là một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Chưa bao giờ sức khỏe người cao tuổi lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Đây là một trong những hoạt động mà tỉnh đang chú trọng thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dân số. Các địa phương đang tích cực triển khai khám sức khỏe cho người cao tuổi nhằm giúp các ông cụ, bà cụ chăm sóc tốt bệnh tật. Biết được điều kiện người cao tuổi đi lại khó khăn nên một số địa phương bác sĩ xuống tận ấp, khu vực để khám sức khỏe cho các cụ.

Có mặt tại ngày khám sức khỏe cho người cao tuổi ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, mới thấy được niềm vui của người cao tuổi ở đây. Bà Bùi Thị Bé, 71 tuổi, khu vực 3, phường III, chia sẻ: “Tôi bị thoái hóa khớp, uống thuốc hoài không khỏi. Bữa nay nghe có bác sĩ về khám bệnh nên đến khám để có thuốc uống. Bác sĩ về đến khu vực khám rất tiện cho người cao tuổi như chúng tôi, đỡ phải đi xa mệt nhọc”.

Nhất là đối với những người cao tuổi nghèo, hoàn cảnh sống khó khăn thì các đợt chăm sóc sức khỏe thế này càng ý nghĩa. Bà Trần Thị Út, 72 tuổi, ở khu vực 3, phường III, nói: “Lớn tuổi rồi bệnh liên miên vừa bị gan nhiễm mỡ, đau nhức chân tay, đau dạ dày,… mà nhà thì nghèo không có điều kiện để đi khám bệnh. Bác sĩ về khu vực khám bệnh tôi mới chạy xe đạp đi được chứ lên trung tâm y tế thành phố tôi phải đi xe ôm hai bận 40.000 đồng”.

Nhờ tổ chức khám sức khỏe ở khu vực nên số lượng người cao tuổi đến khám khá nhiều. Ông Nguyễn Minh Trường, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường III, cho hay: “Ở khu vực 3 có 100 cụ được mời, đã có trên 70 cụ đến khám sức khỏe. Một số trường hợp do bệnh, quá lớn tuổi đi lại khó khăn nên không đi được. Tổ chức khám sức khỏe như thế này có lợi cho người cao tuổi, nhiều người muốn đi”. Với quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu từ 90-100% người cao tuổi được khám sức khỏe, sau các buổi khám như thế này, còn lại những trường hợp chưa đến khám được Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh và các trạm y tế của thành phố bố trí y, bác sĩ xuống tận nhà người cao tuổi để khám.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liên, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Vị Thanh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được thành phố quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Trong năm nay, cũng đã tổ chức diễn đàn với chủ đề “Vai trò của đoàn thanh niên trong phong trào con cháu hiếu thảo” và dự kiến sẽ triển khai chuyên đề tâm lý người cao tuổi cũng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, góp phần tăng tuổi thọ cho các cụ.

Tập trung lo sức khỏe thế hệ mai sau

Ngoài mô hình khám sức khỏe cho người cao tuổi, tỉnh còn thực hiện các mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để có những trẻ chào đời khỏe mạnh. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình đã thực hiện các mô hình này 6 tháng đầu năm nay, cả tỉnh đã có trên 600 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó khoảng 1% trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.000 trẻ sinh ra và số trẻ được sàng lọc chưa nhiều, vì vậy hoạt động tuyên truyền vận động các gia đình thực hiện sàng lọc sơ sinh cho trẻ cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phụng Hiệp, thì: “Việc sàng lọc sơ sinh hiện tại gặp khó do một số trường hợp sinh tại các bệnh viện không có thực hiện dịch vụ này”.

Đồng tình với bà Hồng, bà Nguyễn Thị Thanh Liên, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số là thay đổi cả nhận thức của người dân nên cần có thời gian. Đặc biệt công tác tuyên truyền vận động phải làm sao cho gia đình hiểu được lợi ích khi thực hiện các mô hình này. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cán bộ, cộng tác viên dân số các xã, phường nắm đối tượng mang thai và xin cả số điện thoại để gọi điện khi nào sinh con sẽ tư vấn. Ngoài Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, chúng tôi cũng gửi mẫu thấm lấy máu gót chân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh để sàng lọc cho trẻ ở địa bàn thành phố nếu sinh ở bệnh viện này”. Theo kế hoạch đề ra, năm 2017 thực hiện nâng cao chất lượng dân số tỉnh sẽ vận động 30% trẻ được sàng lọc sơ sinh và sàng lọc trước sinh.

Xác định nâng cao chất lượng dân số tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đang xây dựng đề án để phát triển hơn nữa các mô hình này. Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: “Đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2017-2020 gồm các vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc sơ sinh, trước sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao thể lực, tầm vóc,…”. Để nâng cao chất lượng dân số ngành dân số tỉnh cũng khẳng định việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động về lợi ích của những mô hình này để các gia đình tự bỏ chi phí thực hiện sẽ được quan tâm.

Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nội dung nằm trong giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội của Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và những giải pháp chăm sóc sức khỏe trên được thực hiện tốt, cũng là thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống!

Trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8) diễn ra Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2017, tỉnh sẽ khám sức khỏe cho gần 42.500 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Theo đó, mỗi huyện, thị, thành sẽ khám cho từ 3.000-11.000 người cao tuổi.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>