Đào tạo công nghệ thông tin nhiều nhưng sao doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực ?

16/11/2023 | 08:45 GMT+7

Trong một hội thảo chuyên đề mới đây về kết nối cung cầu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, đã cho thấy thực tế: Dù nhu cầu đào tạo, tuyển sinh các trường rất dồi dào nhưng các doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực chuyên môn lĩnh vực này. Đây có phải là nghịch lý ?

Các viện, trường đại học, đơn vị đào tạo thông tin: Sinh viên Hậu Giang học CNTT hiện rất ít, trong khi đây là ngành tỉnh đang tập trung phát triển mạnh, kêu gọi đầu tư lớn.

Giữa đào tạo và sử dụng còn khoảng cách lớn

Ông Hoàng Minh Anh Tú, Chủ tịch Alta Software, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp cho ngành marketing, rất băn khoăn về tuyển nhân sự. Ông chia sẻ: “Qua nhiều năm kết nối với các trường đại học lớn để tuyển dụng nhân sự, chúng tôi nhận thấy khoảng cách về chương trình đào tạo ngành CNTT giữa nhà trường và khi làm việc thực tế tại doanh nghiệp rất lớn. Các sinh viên đào tạo ra trường 90% doanh nghiệp không sử dụng được. Năm rồi, doanh nghiệp sau khi tiếp nhận các bạn thực tập, chúng tôi đào tạo lại hơn 1.000 sinh viên, nhưng nhận vào làm việc tại công ty chỉ được 60 bạn”.

Còn theo ông Nguyễn Kinh Quốc, Tổng Giám đốc QA Solutions, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm cho các cơ sở y tế: “Công ty tôi có khoảng 100 cán bộ đa phần là kỹ sư phần mềm. Thời gian qua, chúng tôi tập trung tuyển dụng các bạn mới ra trường là chính, với sinh viên mới ra trường cái khó nhất là ít kinh nghiệm, nhưng điểm mạnh của các bạn có thể tiếp thu nhanh khi mình đào tạo lại, dù sao cũng chấp nhận được”.

Về vấn đề này, ông Hà Duy Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm STEAMZONE, chia sẻ: “Tại tỉnh Hậu Giang hiện có trường cao đẳng, nhưng theo tôi ngành đào tạo của trường chưa bám sát nhu cầu Khu Công nghệ số. Chúng tôi rất lo về việc tuyển dụng nhân sự khi vận hành. Thiết nghĩ, tỉnh nên xem xét việc hợp tác với các trường trong vùng ĐBSCL”.

Là một trong những đơn vị đã tuyển dụng và sử dụng nhân sự tại Hậu Giang, bà Trần Thị Hằng, Giám đốc Nhân sự DIGI-Texx Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã có một nhóm nhân sự làm việc tại tỉnh Hậu Giang. So với những đội đang làm việc ở những tỉnh, thành khác, tại Hậu Giang khi tuyển 10 người làm việc, chúng tôi phải đào tạo 26 người. Dự kiến những năm sau, quy mô của doanh nghiệp mở rộng, chúng tôi cần từ 200-300 nhân sự. Đây là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ nhân sự sau đào tạo tại tỉnh nghỉ việc khá cao. Chúng tôi còn gặp một số khó khăn như không đủ số lượng để tuyển dụng, nhân sự thiếu kỹ năng... Bên cạnh chính sách, quyền lợi để thu hút của doanh nghiệp, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của tỉnh”.

Là đơn vị chuyên về lĩnh vực CĐS, trong đó chuyên xử lý Data, dữ liệu, hình ảnh về dạng số hóa. Hiện nhân sự của DIGI-Texx có 2 nhóm chính: nhóm chuyên về xử lý dữ liệu, đòi hỏi sử dựng kỹ năng đánh máy nhanh; nhóm chuyên xử lý dữ liệu dưới dạng ngoại ngữ, cần các bạn giỏi ngôn ngữ về tiếng Đức, Anh, Nhật, Trung. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp đặt ra yêu cầu các bạn phải có ngoại ngữ cơ bản, kỹ năng sử dụng máy tính thành thạo, nhanh… trong khi đó, hầu như sinh viên tại vùng đều thiếu các kỹ năng này.

Giải pháp nào thu hút sinh viên ngành CNTT về Hậu Giang ?

Là một trong những đơn vị đã ký kết hợp tác cùng UBND tỉnh Hậu Giang, với vai trò là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên về ngành CNTT, tiến sĩ Ngô Bá Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông (Đại học Cần Thơ), cho rằng: “Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Tỉnh nên xem xét có các chính sách học bổng, quỹ hỗ trợ cho sinh viên học các ngành về CNTT, công nghệ số. Qua khảo sát sơ bộ, sinh viên của trường sau tốt nghiệp, các em làm việc trong lĩnh vực công nghệ khá tốt, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại rất cao. Tuy nhiên, ngành này học hơi khô khan, rất ngán...”.

Trường Đại học Cần Thơ có 4 đơn vị đang đào tạo các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ số như: Trường CNTT - Truyền thông có 3 trình độ đào tạo là đại học, thạc sĩ và tiến sĩ quy mô hơn 4.500 sinh viên, với 9 ngành đào tạo trong lĩnh vực CNTT; Trường Bách Khoa hiện một số ngành có thể gắn kết với khu công số; riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có Trường Đại học Cần Thơ khu Hòa An, tại đây hiện đang đào tạo ngành CNTT…

Để kết nối giữa địa phương, đơn vị đào tạo và doanh nghiệp, nhằm góp phần đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho doanh nghiệp, thạc sĩ Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng ta có thể xây dựng Cổng thông tin tìm việc, qua kênh này sẽ gắn kết được nhu cầu của tỉnh, doanh nghiệp và các trường đại học. Qua thống kê, hiện số lượng sinh viên Hậu Giang theo học các ngành CNTT tại trường rất ít. Nếu xây dựng được cổng thông tin việc làm, chúng tôi sẽ biết doanh nghiệp, địa phương cần bao nhiêu sinh viên, để các em ngay khi tốt nghiệp, nhà trường kết nối việc làm cho các em về địa phương. Ngoài ra, tỉnh có thể xây dựng thêm các chính sách tạo điều kiện cho các em đi học hoặc làm việc tại tỉnh”.

Hiện tại, quy mô đào tạo của các trường thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về ngành CNTT khoảng 18.000 sinh viên. Qua thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 450 sinh viên có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang theo học các ngành tại trường này.

Hậu Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12 tới. Việc thành lập Khu Công nghệ số nhằm hướng tới mục tiêu hình thành trung tâm về CNTT, tạo hạ tầng cho ứng dụng và phát triển CNTT, hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm CNTT  phục vụ việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT.

Do đó, thu hút nhân lực công nghệ là yêu cầu lớn và cấp bách đang được đặt ra với tỉnh cũng như các doanh nghiệp đang dự định đầu tư vào đây...

Thành lập Khu Công nghệ số, tỉnh Hậu Giang mong muốn tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: viễn thông, tài chính, ngân hàng, thương mại, các dịch vụ công cộng, giáo dục - đào tạo, y tế...

Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang khi thành lập được định hướng vào 3 lĩnh vực chính là: công nghệ số, công nghệ cho nông nghiệp, công nghệ cho giáo dục.

 

 Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>