Khi điểm số không là áp lực

30/01/2024 | 09:02 GMT+7

Sau 3 năm triển khai Thông tư 27/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đã góp phần tạo môi trường học tập hào hứng, không còn áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về điểm số.

Học sinh từ lớp 1-4 đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, được kiểm tra đánh giá theo Thông tư 27/2020 của Bộ GD&ĐT.

Không còn xếp loại giỏi, khá, trung bình, yếu và kém

Lớp 1A2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh, giờ học toán sôi động. Cô Nguyễn Thị Như Bình tâm sự: “Trẻ con lớp 1 rất hiếu động, hơn nữa đây là giai đoạn chuyển giao giữa lứa tuổi mẫu giáo với tiểu học, nên các bé khá bỡ ngỡ với môi trường học tập mới, nhiều thay đổi, thay vì cứng nhắc, giáo viên phải linh hoạt, tạo tâm lý thoải mái để trẻ tiếp thu kiến thức…”.

Với những học sinh đang học nhưng không tập trung, nghịch phá, đột nhiên rời chỗ ngồi… thay vì cáu gắt, trách phạt như trước đây, cô Bình chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở và dặn dò bé không tái phạm. Đối với những học sinh mạnh dạn phát biểu, sau khi các em phát biểu xong dù đúng hay sai, cô đề nghị cả lớp hoan nghênh tinh thần phát biểu xây dựng bài. Đây là những thay đổi rõ nét không riêng gì ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

Các trường đều nhận định: Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy, khích lệ phát triển năng lực học tập của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà Trần Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Phương pháp kiểm tra đánh giá theo thông tư mới chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Trước đây học sinh sau mỗi bài học phải ghi nhớ và hiểu kiến thức, thì nay từ kiến thức được học các em cần vận dụng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Việc đánh giá học sinh theo Thông tư 27 không khó khăn, bởi các yêu cầu cần đạt chỉ rất rõ, giáo viên chỉ cần linh hoạt, sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá, động viên học sinh và tạo điều kiện giúp đỡ để học sinh đạt các yêu cầu chương trình đã đề ra”.

Không đánh giá bằng điểm số phần nào giải tỏa tâm lý áp lực, tự ti, thua kém bạn bè của các em học sinh có học lực trung bình, yếu. Với các mức đánh giá và nhận xét cụ thể của giáo viên, sẽ giúp các em học sinh phát hiện những hạn chế, để cố gắng hơn trong học tập.

 Nếu trước đây, dựa trên điểm số học tập từ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm học, học sinh sẽ được tiến hành xếp loại theo các mức độ giỏi, khá, trung bình, yếu và kém. Còn theo Thông tư 27, cuối năm học căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Khuyến khích sáng tạo, sự tiến bộ của mỗi học sinh qua từng môn học

Để đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh, trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Qua đây, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực.

Chia sẻ việc tổ chức thực hiện theo Thông tư 27, về đánh giá học sinh tiểu học, bên cạnh thuận lợi, theo các trường tiểu học, giáo viên vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn câu từ để ghi nhận xét cho học sinh, phải mất nhiều thời gian cho các bước nhận xét, đánh giá. Phụ huynh khó phân biệt được con em mình được ở mức độ học tập nào đạt hay chưa đạt ở mức độ nào. Giáo viên bộ môn tiếng Anh, mỹ thuật, thể dục… khá băn khoăn trong việc đánh giá vì phải dạy nhiều lớp.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Năm thứ 3 triển khai theo Thông tư 27, các trường, thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh khá nhuần nhuyễn trong triển khai đánh giá kết quả học tập học sinh. 100% cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học trong tỉnh hiểu và vận dụng tốt những điểm đổi mới trong kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục học sinh, đa số giáo viên nắm vững và thực hiện tốt các nội dung tổ chức hoạt động dạy và học, nhận thức của phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý và giáo viên đã có chuyển biến tích cực, không còn sự so sánh, phân biệt giữa học sinh này với học sinh khác…”.

Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27 không đơn thuần là những thông tin về kết quả, thành tích học tập, rèn luyện theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đây, còn giúp các trường điều chỉnh hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là khuyến khích sáng tạo, sự tiến bộ của mỗi học sinh qua từng môn học.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>