Khơi nguồn sáng tạo cho trẻ

08/06/2023 | 09:38 GMT+7

Phương pháp giáo dục STEM được một số trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh thử nghiệm giảng dạy, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc giúp trẻ năng động, hiểu biết hơn về cuộc sống.

Học sinh Trường Mẫu giáo Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tham gia các hoạt động trải nghiệm từ phương pháp giáo dục STEM.

Hứng thú học tập

Có mặt tại lớp học 5 tuổi Trường Mẫu giáo Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cùng tham gia vào tiết học được giáo viên áp dụng phương pháp giáo dục STEM, mới cảm nhận được sự khác biệt trong dạy học. Cô Võ Thị Hằng Ni, giáo viên lớp chồi 4, bộc bạch: “Nếu trước đây, nhà trường định hướng giáo dục tập trung nhiều vào truyền tải lý thuyết, chưa chú trọng thực hành nhiều, thì giáo dục STEM hướng tới giúp nhà trường tích hợp giữa học và hành. Phương thức này với điểm mạnh là giúp học sinh được tiếp cận liên môn, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề cho trẻ. Sau thời gian giảng dạy phương pháp giáo dục này, tôi nhận thấy các bé tự tin và năng động hơn nhiều”.

Mẫu giáo Long Thạnh là một trong những trường đã đưa vào thực hành thử nghiệm phương pháp giáo dục STEM khá hiệu quả trên địa bàn huyện. Sau khi được tham gia lớp tập huấn, trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, thảo luận đưa ra các giải pháp thực hiện một cách khoa học, từ việc thống nhất xây dựng kế hoạch đến việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phương pháp giáo dục STEM. Từ việc xây dựng môi trường trong, ngoài lớp học sao cho đúng với chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đã tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ thực hành, trải nghiệm, vui chơi, học tập ở mọi nơi, mọi lúc.

Bà Mai Thị Mỹ Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Thạnh, chia sẻ: “Qua thời gian triển khai giáo dục STEM ở một số lớp, tôi thấy phương pháp này đã mang lại không khí hoạt động tích cực, hiệu quả. Trong đó, trẻ được chơi, được làm theo trí tưởng tượng, theo khả năng, biết chủ động giải quyết các vấn đề. Giáo viên thực hiện đúng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở, truyền năng lượng tích cực cho các bé. Trong quá trình giảng dạy phương pháp này, nhà trường đã kết hợp cùng phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để trẻ được trải nghiệm như: chăn nuôi, trồng trọt, khám phá xung quanh. Giờ trẻ rất thích đến lớp”.

Khởi đầu hiệu quả cho trẻ

STEM là thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Mathematics (toán học). STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn, các bài học được xây dựng theo chủ đề nhằm lồng ghép kiến thức khoa học, công nghệ và toán học, hướng đến sự vận dụng kỹ thuật trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể.

Giáo dục STEM đã cho thấy là phương pháp thực sự lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ hứng thú đến trường, từng bước hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện. Bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Ở giáo dục STEM, với cách tiếp cận theo hướng tôn trọng sự sáng tạo, tư duy của trẻ, giáo viên không làm hộ mà hướng dẫn, gợi ý để trẻ làm và học. Làm như vậy, trẻ sẽ rất hứng thú và nhớ lâu, giờ học sôi nổi, không nặng nề, không có hiện tượng có trẻ hoạt động nhiều, có trẻ ngồi yên. Với phương pháp giáo dục này, nhiều phụ huynh hào hứng, phấn khởi khi thấy những thành quả là sự tiến bộ rõ nét của con, từ đó đồng hành, hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục”.

Do mới chỉ áp dụng thử nghiệm, nên Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo Họa Mi đã chỉ đạo thực hiện giáo dục STEM ở mỗi khối 1 lớp. Qua đánh giá thực hiện, phương pháp giáo dục này rất thành công khi áp dụng tại lớp dành cho trẻ 5 tuổi. Nếu trước đây, việc làm đồ dùng, đồ chơi ở các lớp chỉ do giáo viên thực hiện, thì nay trẻ tham gia cùng làm với cô. Nhờ vậy, trẻ biết tự làm, tự chơi và từ học hỏi nên rất thích thú.

Cô Nguyễn Thị Quyên, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, chia sẻ: STEM trong chương trình GDMN là bước khởi đầu để trẻ được học tập và trải nghiệm từ cuộc sống thực tế một cách trực quan, từ đó khơi dậy niềm say mê, hứng thú, sự sáng tạo. Sau khi được tập huấn, một số trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn cũng chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm về phương pháp giáo dục STEM và thử nghiệm giảng dạy. Dù vẫn còn khá mới mẻ tuy nhiên việc triển khai đã cho thấy sức hút và hiệu quả lớn.

Với những hiệu quả bước đầu cho thấy, việc từng bước đưa giáo dục STEM vào trong các trường mầm non, mẫu giáo đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, khuyến khích phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh.

Từ năm 2020 đến nay, chương trình giáo dục STEM đã được một số trường từ tiểu học đến THCS, THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện triển khai. Riêng đối với cấp học mầm non, mẫu giáo chương trình giáo dục này được khuyến khích triển khai từ năm học 2022-2023.

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 60% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến THPT có tổ chức hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>