Sinh viên sư phạm trải nghiệm với nghề

03/10/2017 | 07:58 GMT+7

Những sinh viên sư phạm có thêm cơ hội trải nghiệm và định hướng rõ hơn với nghề nghiệp của mình khi tham gia vào các cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học...

Mô hình “Hương khóm” của sinh viên lớp cao đẳng giáo dục tiểu học, (khóa 10).

Sáng tạo mô hình gợi nhớ quê hương

Trang trí bắt mắt với các vật liệu gần gũi và các sản phẩm luôn sống động như thật là những ấn tượng để lại từ hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học của sinh viên ngành sư phạm, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. Một mô hình vườn rau của bé với nhiều loại rau củ được cắt khéo léo qua các loại giấy đủ màu sắc, một mô hình bánh việt với hình ảnh những cái bánh ít, bánh tét, bánh chưng được gói tỉ mỉ… mỗi sản phẩm là sự sáng tạo hết sức khéo léo của các thầy cô giáo tương lai.

Cũng tích cực tìm hiểu về các sản vật đặc trưng của quê hương, mang đến hội thi lần này, nhóm sinh viên của lớp cao đẳng giáo dục tiểu học (khóa 10) đã tái hiện lại vùng quê bạt ngàn những liếp khóm trên bờ, bên dưới những con kênh rạch nhỏ là những đàn cá thát lát đang bơi lội, trên mặt nước là những ghe chở đầy khóm với tên gọi của sản phẩm là “Hương khóm”. Lê Thị Huệ, một trong những sinh viên làm nên sản phẩm này, chia sẻ: “Để hoàn thành sản phẩm, em và khoảng 10 bạn nữa phải mất thời gian 2 tuần mới làm xong. Xuất phát từ ý tưởng muốn tái hiện lại nét đặc trưng của Hậu Giang là những vườn khóm, vì vậy chúng em đã làm sản phẩm. Không chỉ khắc họa bức tranh quê hương, sản phẩm của chúng em cũng có thể đưa vào giảng dạy ở môn địa lý, môn tập làm văn, môn mỹ thuật…”. 

Với yêu cầu phải sử dụng các vật liệu tự nhiên, vật liệu mới và phế liệu như tre, lá dừa, đất, xốp, ống hút… qua chủ đề “Giữ nét quê hương”, hội thi lần này không chỉ là dịp để sinh viên được tự do sáng tạo, mà còn giúp các em tìm hiểu thêm về mảnh đất quê hương. Bên cạnh những sản phẩm mang đậm nét đặc trưng quê nhà, thông qua hội thi cũng có nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ nhu cầu học tập.

Làm đồ dùng dạy học với thầy cô đang giảng dạy không phải là chuyện mới, nhưng với sinh viên sư phạm việc được tham gia các hội thi liên quan có ý nghĩa riêng…

Sân chơi để sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành

 Sinh viên Nguyễn Phương Uyên, thành viên trong nhóm làm nên sản phẩm bộ đồ dùng học tập đa năng, lớp cao đẳng giáo dục tiểu học (khóa 10), học tại cơ sở đặt ở thị xã Ngã Bảy, nói: “Sản phẩm của chúng em có chi phí chỉ khoảng 300.000 đồng, nhưng có thể học được ở nhiều môn khác nhau như: toán, tiếng Việt, tự nhiên - xã hội, thủ công… Do sản phẩm có kích thước không quá lớn, nên rất dễ dàng di chuyển khi mang đến các lớp giảng dạy”. Với tính năng ứng dụng cao, sản phẩm bộ đồ dùng học tập đa năng đã xuất sắc đạt giải nhất trong hội thi.

Tuy là lần đầu tiên hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học được tổ chức cho sinh viên, dù chỉ trong thời gian 2 tuần phát động, nhưng đã có 12 sản phẩm tham gia. Chưa được trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhưng trước khi làm sản phẩm, các sinh viên đều tìm hiểu rất kỹ về tính năng ứng dụng khi sản phẩm hoàn thành. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ phục vụ cho các lớp mầm non, mẫu giáo, tiểu học mà còn cho cả cấp THCS.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 11/12 sản phẩm xuất sắc nhất. Được biết, đối với một sản phẩm đạt giải nhất, hai sản phẩm đạt giải nhì và giải ba Ban tổ chức hiện đang góp ý để hoàn thiện sản phẩm và các sản phẩm này sẽ được mang dự thi hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học cấp tỉnh sắp tới.

Với mục tiêu giúp sinh viên tăng cường khả năng thực hành, hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học của sinh viên ngành sư phạm là sân chơi để sinh viên giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống. Ông Phan Thanh Bình, giảng viên Khoa Sư phạm, người hướng dẫn trực tiếp cho các sinh viên làm đồ dùng, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên tổ chức hội thi, nhưng được các em sinh viên tham gia rất nhiệt tình. Bất ngờ hơn là chỉ trong thời gian khá ngắn các em đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm rất đẹp, bắt mắt và hiệu quả”.

Trong điều kiện nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập phục vụ giảng dạy còn khó khăn, thì những hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để chia sẻ khó khăn ở các trường. Đặc biệt, hội thi sáng tạo đồ dùng được tổ chức trong sinh viên sư phạm lại mang một ý nghĩa rất thiết thực đối với thế hệ trẻ, là một bước chuẩn bị, định hướng nghề nghiệp của những cô giáo, thầy giáo tương lai.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>